Tại miền Bắc hầu ổn định ở mức thấp
Sau khi kết thúc xu hướng giảm vào cuối tuần trước, giá lợn hơi tại khu vực bước vào xu hướng ổn định và phục hồi tại một vài nơi. Tuy nhiên, sự phục hồi này không phải xu hướng khi thị trường liên tiếp nhận được thông tin về các đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi (ASF) mới. Giá lợn hơi tại miền Bắc đang được thu mua trong khoảng 39.000 - 44.000 đ/kg; trong đó 40.000 - 42.000 đồng là mức giá phổ biến tại nhiều nơi.
Các tỉnh như Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên,... đang được thu mua từ 40.000 - 43.000 đ/kg. Khu vực Hà Nội dao động xung quanh mức giá 41.000 đ/kg, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định khoảng 40.000 đ/kg. Các tỉnh đang có dịch tả lợn châu Phi là Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình,... đang có mức giá thấp nhất khi chỉ bán được từ 38.000 - 42.000 đồng/kg, tại Vĩnh Phúc có nơi giảm 1.000 đ/kg xuống 41.000 đ/kg.
Trong tuần qua có thêm Hoà Bình, Thái Nguyên, Điện Biên và mới đây nhất là Ninh Bình báo cáo bùng phát dịch ASF. Bên cạnh đó, những địa phương xuất hiện bệnh dịch trước đó như Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình dịch bệnh tiếp tục lây lan rộng trong khu vực.
Tại miền Trung, Tây Nguyên lặng sóng
Giá lợn hơi giảm mạnh một vài địa phương miền Trung. Sau khi xuất hiện ổ dịch tại Thanh Hóa, giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên đã liên tục đi xuống, nhiều nơi đã giảm từ 3.000 - 4.000 đ/kg.
Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, giá xuống thấp, dao động trong khoảng 39.000 - 46.000 đ/kg. Riêng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vẫn giữ được ngưỡng 49.000 đ/kg.
Khu vực Nam Trung Bộ vẫn dao động trong khoảng 44.000 - 46.000 đ/kg. Tại Tây Nguyên, giá tốt hơn, duy trì ở mức 50.000 - 51.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại khu vực đang dao động trong khoảng 37.000 - 49.000 đ/kg.
Tại miền Nam giá giảm
Khu vực ghi nhận giá lợn hơi giảm trên diện rộng trong tuần qua, nhiều địa phương giảm tới 8.000 - 9.000 đ/kg so với đầu tháng.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam tiếp tục xu hướng giảm, đáng chú ý có tỉnh Bình Phước giảm từ 50.000 đồng/kg xuống còn 48.000 đồng/kg, Tây Ninh giảm từ 53.000 đồng/kg xuống còn 48.000 đồng/kg.
Các tỉnh khác như An Giang từ 51.000 đồng/kg giảm còn 49.000 đồng/kg, Kiên Giang có mức giảm tương ứng về 48.000 đồng/kg. Nhiều địa phương khác cùng giảm 1.000 đồng/kg như: TP HCM, Long An, Vĩnh Long. Toàn miền có tỉnh Tiền Giang tăng nhẹ từ 49.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 9/3/2019 đạt 4.600 con, và tình hình buôn bán của thương lái vẫn ảm đạm.
Đến thời điểm hiện tại, dịch ASF đã xuất hiện tại 13 tỉnh, thành là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Ninh Bình, Quảng Ninh và Nam Định.
Chính sách hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi chưa rõ ràng
Theo VOV, trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi đang lan ra tại một số địa phương, tại Đồng Nai, nơi có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước, nông dân đang chủ động giảm đàn để tránh thiệt hại trong trường hợp có dịch tả lợn châu Phi xảy ra.
Các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang được ngành chức năng và giới chăn nuôi khẩn trương thực hiện. Đồng Nai đã siết chặt kiểm soát tại các chốt kiểm dịch động vật, tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng trên diện rộng, tổ chức các đợt tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ về dịch bệnh này cũng như các giải pháp phòng chống dịch.
Tuy nhiên, với việc dịch đã xảy ra ở hàng chục tỉnh thành, nhiều người chăn nuôi ở Đồng Nai đang có tâm lý giảm đàn để giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xấu dịch xảy ra. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện giá lợn ở phía Nam đã giảm xuống mức dưới 50.000 đ/kg. Trong khi trước đó chưa lâu, giá lợn rơi vào khủng hoảng, giá bán dưới giá thành sản xuất rất sâu khiến nhiều nông dẫn lỗ nặng, tâm lý có phần hoang mang.
Đáng chú ý, có hiện tượng thương lái ép giá, thậm chí thông tin sai lệch về dịch cũng như chính sách hỗ trợ khiến một số trang trại, hộ chăn nuôi quy mổ nhỏ lẻ rủ nhau "bán tháo" lợn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi còn nhiều băn khoăn về chính sách hỗ trợ trong trường hợp xảy ra dịch như mức hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ. Khi những thông tin này chưa rõ ràng thì nông dân cũng chưa thể yên tâm giữ đàn.
Do đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm quyết định và công khai phương án hỗ trợ để người chăn nuôi có thể yên tâm duy trì đàn bên cạnh nỗ lực phòng chống dịch. Ngoài ra, việc này cũng sẽ góp phẩn đảm bảo thị trường thịt lợn không bị xáo trộn. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị, chính sách hỗ trợ cần phải công khai, bởi việc công khai sẽ tác động lớn đến người chăn nuôi.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet