menu search
Đóng menu
Đóng

Giá lúa gạo giảm và các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ

06:00 27/02/2019

Vinanet - Hiện nay, ĐBSCL đang vào vụ Đông Xuân, giá lúa giảm mạnh trong khi năng suất thấp hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể, lúa IR-50404 đang được thương lái thu mua 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao thì từ 4.600 - 5.200 đồng/kg, tùy giống. Với năng suất bình quân 6-7 tấn/ha, trừ các khoản chi phí, những người thuê đất ruộng lỗ từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/ha.

Trước tình hình này, chiều 25/2/2019, đoàn công tác Bộ NNPTNT đã có chuyến khảo sát thực tế tại nhiều địa phương tỉnh Đồng Tháp để chuẩn bị cho Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL năm 2019 diễn ra vào ngày 26/2/2019, tại TP Cao Lãnh. Đây được xem là “phản ứng nhanh” của Bộ NNPTNT trước thực trạng lúa đông xuân 2018-2019 vùng ĐBSCL rớt giá, khó bán.

Tham khảo giá lúa gạo tại ĐBSCL tuần 23 – 26/2/2019

Chủng loại

Ngày 23/2/2019

Ngày 25/2/2019

Ngày 26/2/2019

Lúa tươi IR 504

4.500 – 4.600

4.500 – 4.600

4.500 – 4.600

Gạo NL IR 504

6.400 – 6.450

6.430 – 6.470(+20)

6.380 – 6.450(-30)

Gạo TP IR 504

7.250 – 7.350(+75)

7.250 – 7.350

7.250 – 7.350

Gạo NL OM 5451

6.800 – 7.000(-100)

6.800 – 7.000

6.800 – 7.000

Tấm IR 504

6.500 – 6.660

6.500 – 6.660

6.500 – 6.660(+25)

Cám

4.850 – 4.950(+75)

4.850 – 4.950

4.900 – 4.950(+25)

Tại Kiên Giang, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh xuống giống hơn 289.000 ha và đã thu hoạch hơn 50.000 ha. Dự kiến cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 sẽ thu hoạch rộ và kết thúc vụ. Trước tình hình giá lúa xuống thấp và không có thương lái đến đặt cọc thu mua, ngành nông nghiệp đã và đang kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ lúa, giải quyết khó khăn cho bà con nông dân.

Tại An Giang mới bước vào thu hoạch lúa đông xuân sớm, dự kiến thu hoạch rộ từ ngày 1-3 đến 10-4. Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mua lúa gạo tạm trữ, giá lúa trên địa bàn tỉnh đã tăng trở lại, tương đương mức giá trước Tết nguyên đán 2019. Nguyên nhân chính lúa rớt giá thời gian qua là do trước Tết nguyên đán, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu gạo, kiểm soát chặt biên mậu và điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo hiệu ứng giảm giá lúa. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường Philippines, Indonesia, Nam Phi, Trung Đông… vẫn cao.

Các bộ, ngành trung ương đang tích cực xúc tiến những thị trường mới. Các DN không phụ thuộc thị trường Trung Quốc cần tổ chức thu mua lúa bình thường. Những DN đã có hợp đồng liên kết với nông dân thì giữ nguyên giá mua theo hợp đồng. Các ngân hàng thương mại cần có kế hoạch tăng hạn mức cho vay, ưu đãi lãi suất cho DN thu mua gạo.

UBND tỉnh An Giang đã giao Sở NN-PTNT tỉnh làm việc với UBND các huyện về kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2019. Đối với các giống lúa tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Trung Quốc, chỉ tổ chức sản xuất khi có hợp đồng bao tiêu; ưu tiên các giống lúa có thị trường tiềm năng khác.

Xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt 437,6 nghìn tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc. Nguyên nhân do nguồn cung dồi dào vì đang bước vào thu hoạch vụ lúa lớn nhất trong năm. Trong khi đó các thị trường quốc tế đang tiếp tục có sự cạnh tranh gia tăng về chất lượng, chủng loại và yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu. Trước thực trạng đó, ngày 19.02, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cuộc họp quan trọng bàn về các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, trước mắt giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 với lượng 200 nghìn tấn gạo và 80 nghìn tấn thóc.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet