Trong phiên giao dịch ngày 6/4/2023, giá ngô kỳ hạn tại Chicago giảm nhiều hơn, trong bối cảnh triển vọng thời tiết được cải thiện cho mùa trồng trọt ở Mỹ và việc các thương nhân điều chỉnh vị thế trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào cuối tuần.
Giá lúa mì và đậu tương cũng yếu hơn một chút.
Một thương nhân ở Singapore cho biết, thời tiết ở Mỹ có một số cải thiện sau những cơn mưa, điều này sẽ giúp ích cho việc trồng trọt. "Thời tiết có khả năng chi phối thị trường."
Trên sàn giao dịch Chicago, giá ngô đã giảm 0,6% xuống 6,49 USD/bushel, kéo dài mức giảm sang phiên thứ tư. Giá lúa mì giảm 0,5% xuống còn 6,78-1/2 USD/bushel, trong khi giá đậu tương giảm 0,3% xuống 15,06-3/4 USD/bushel.
Trọng tâm của thị trường đã chuyển sang các dự báo về thời tiết khô hơn, ấm hơn có thể thúc đẩy công việc đồng ruộng vụ xuân ở vành đai trang trại phía bắc của Mỹ, nơi đã bị tuyết rơi trong tuần này, và tránh xa các điều kiện không tốt đối với lúa mì mùa đông bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở vùng đồng bằng phía nam.
Sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến sẽ công bố báo cáo cung/cầu vụ mùa tháng 4 vào thứ Ba, ngày 11/4. Báo cáo sẽ bao gồm các số liệu về sản lượng ngô và đậu tương của Argentina và Brazil trong năm 2022-2023.
Chính phủ Argentina đã công bố một kế hoạch mới thiết lập tỷ giá hối đoái đặc biệt 300 peso/USD để khuyến khích xuất khẩu đậu tương trong bối cảnh khó khăn tài chính nghiêm trọng và thiếu hụt ngoại hối.
Hiệp hội thanh tra ngũ cốc của Argentina đã kết thúc cuộc đình công kéo dài một tuần sau khi đạt được thỏa thuận tăng hơn gấp đôi mức lương phù hợp với tỷ lệ lạm phát gia tăng của đất nước, hiệp hội này cho biết hôm thứ Tư.
Xuất khẩu lúa mì mềm từ Liên minh châu Âu trong niên vụ 2022/23 bắt đầu vào tháng 7 đã đạt 23,15 triệu tấn tính đến ngày 2/4, so với 21,52 triệu tấn vào cùng tuần niên vụ 2021/22, dữ liệu do Ủy ban châu Âu báo cáo.
Tổng cục cung cấp hàng hóa của Ai Cập đã thiết lập một cuộc đấu thầu quốc tế đối với lúa mì để vận chuyển từ ngày 10-20/5 và/hoặc 21-31/5, với thời hạn chào hàng vào ngày 6/4.
Nguồn:VINANET/VITIC/Reuters