Giá cà phê giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021
Theo ICO, chỉ số giá cà phê toàn cầu (I-CIP) trong tháng 11 tiếp tục giảm 12,3% so với tháng trước xuống còn trung bình 156,8 US cent/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 151,4 - 164,2 US cent/pound.
So với tháng trước, giá của nhóm cà phê arabica Colombia và arabica khác lần lượt giảm 14,8% và 10,9%, xuống còn 223,2 và 213,9 US cent/pound. Cà phê arabica Brazil cũng giảm 13,4% xuống 166,5 US cent/pound. Trong khi cà phê robusta giảm 10,1% xuống dưới mốc 100 US cent/pound, đạt trung bình 92,6 US cent/pound.
Do giá arabica giảm mạnh hơn so với robusta nên chênh lệch giá giữa thị trường kỳ hạn New York và London tiếp tục giảm 17,5%, xuống còn 82,1 US cent/pound so với 99,7 US cent/pound của tháng trước.
Trong tháng vừa qua, tồn kho cà phê arabica được chứng nhận trên sàn New York đã tăng tới 45,3% so với tháng trước lên mức 0,6 triệu bao. Ngược lại tồn kho robusta đạt 1,45 triệu bao, giảm 4,6%.
Đồng thời ICO cũng giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước. Tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao loại 60 kg trong niên vụ 2022-2023 so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.
Nguồn: ICO
Xuất khẩu cà phê nhân giảm, cà phê hoà tan tiếp tục tăng
Số liệu của ICO cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 10, tháng đầu tiên của niên vụ cà phê 2022-2023 chỉ đạt 9,7 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm 1,9% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022.
Trong đó 88% là cà phê nhân xanh với khối lượng vào khoảng 8,5 triệu bao, giảm 2,5% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này được ghi nhận trên tất cả các nhóm cà phê, nhưng riêng nhóm cà phê arabica Brazil khởi đầu niên vụ mới với triển vọng khá tích cực khi tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu đà tăng trưởng trong tháng thứ ba liên tiếp, đạt 3,4 triệu bao.
Sự khởi đầu tích cực này được thúc đẩy bởi Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu arabica lớn nhất thế giới ghi nhận mức tăng 1,9% so với cùng kỳ, trái ngược với sự sụt giảm tại Ethiopia (-10,9%), Uganda (-6%) và Việt Nam (-19,5%).
Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu của nhóm cà phê arabica Colombia giảm 4,1% xuống 0,9 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận ở cả Colombia và Tanzania khi xuất khẩu cà phê nhân xanh của hai nước này đã giảm lần lượt 6% và 2,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Kenya đã bắt đầu niên vụ mới với triển vọng khá tươi sáng khi xuất khẩu tăng tới 46,2%.
Riêng với Colombia, xuất khẩu cà phê nhân xanh của nước này đã giảm tháng thứ tư liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu là do sản lượng cà phê của Colombia đã giảm 12%. Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia (FNC) cho rằng sự sụt giảm sản lượng là do ảnh hưởng của hiện tượng La Niña khiến mưa nhiều hơn, tác động tiêu cực đến các đồn điền cà phê của nước này.
Các lô hàng cà phê arabica khác cũng giảm 4,3% trong tháng 10 xuống 1,3 triệu bao. Trong nhóm này Guatemala giảm 28%, Honduras giảm 49,2% và Peru giảm 8,4%. Tại Honduras, ngành cà phê tiếp tục phải vật lộn với bệnh gỉ sắt lá trong khi sản lượng của Guatemala giảm do khí hậu khắc nhiệt và tình trạng thiếu lao động.
Trong 4 nhóm cà phê, robusta là nhóm ghi nhận sự sụt giảm nhiều nhất trong tháng đầu tiên của niên vụ 2022-2023, với mức giảm 4,8% xuống 2,8 triệu bao. Ngoại trừ Ấn Độ và Indonesia, tất cả các nước xuất khẩu robusta chính đều giảm trong tháng 10 với Uganda giảm 6% và Việt Nam giảm 19,5%.
Xuất khẩu các chủng loại cà phê trong tháng 10/2022 và các năm trước
Nguồn: ICO
Trái ngược với cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu trong tháng 10 tiếp tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,2 triệu bao. Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng lên mức 9,5% so với 8,9% của cùng kỳ năm ngoái.
Brazil, nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới đã xuất khẩu 291.345 bao ra thị trường quốc tế trong tháng 10, giảm 6,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng cà phê hoà tan xuất khẩu của hai nước đứng sau là Ấn Độ và Indonesia tăng tới 25% và 33,7%, đạt lần lượt 180.000 bao và 397.805 bao.
Trong tháng này, xuất khẩu cà phê rang xay bất ngờ giảm 18% xuống 61.226 bao từ 74.697 bao của cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu giảm ở hầu hết khu vực, ngoại trừ châu Á
Trong tháng 10, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn gần 5 triệu bao. Sự sụt giảm này phần lớn đến từ kết quả xuất khẩu kém khả quan của của Colombia (-2,3%) và Peru (-9,4%), nhưng đã phần nào được bù đắp bằng sự gia tăng của Brazil (tăng 1,1%) và Ecuador (tăng 48,3%).
Còn tại khu vực châu Á và châu Đại Dương, xuất khẩu của khu vực này tăng nhẹ 10.000 bao lên mức 3,2 triệu bao. Tuy nhiên, xuất khẩu của các nước trong khu vực lại có biến động trái chiều khi Ấn Độ và Indonesia lần lượt tăng 15,1% và 34,5% lên 0,5 triệu bao và 1,1 triệu bao, trong khi Việt Nam giảm tới 19,5% xuống 1,4 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trên thế giới trong tháng 10/2022 và các niên vụ trước
Nguồn: ICO
Xuất khẩu cà phê từ châu Phi đạt 1,1 triệu bao trong tháng 10, giảm 2,4% so với cùng kỳ vụ trước. Trong đó, hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu chính trong khu vực là Ethiopia và Uganda sụt giảm lần lượt là 10,9% và 6%.
Nhưng sự gia tăng được ghi nhận tại một số quốc gia khác như Burundi (316,7%), Bờ Biển Ngà (83,2%) và Kenya (46,3%). Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng của ba nước này chủ yếu đến từ mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, khi đó xuất khẩu của Burundi giảm 66,5%, Bờ Biển Ngà giảm 79,1% và Kenya giảm 54,1%.
Trong các khu vực, Trung Mỹ và Mexico là khu vực ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong tháng 10, với mức giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 0,5 triệu bao. Trong số 12 quốc gia xuất khẩu cà phê trong khu vực, chỉ có Cộng hòa Dominica tăng 10,5%, Mexico tăng 1,1%, Nicaragua tăng 24,6% và Trinidad & Tobago tăng 259,2%.
Ngược lại, xuất khẩu của Honduras giảm 49,2% do nguồn cung dành cho xuất khẩu thấp hơn trong bối cảnh bệnh gỉ sắt lá làm giảm sản lượng cà phê của nước này trong niên vụ 2021-2022.
Trong số các quốc gia xuất khẩu chính của khu vực (từ 1 triệu bao trở lên), xuất khẩu cà phê của Costa Rica sụt giảm mạnh nhất, giảm 68,9% trong tháng 10 xuống còn 9.216 bao. Đây là khối lượng xuất khẩu thấp nhất của Costa Rica kể từ tháng 9/1976. Viện Cà phê Costa Rica (ICAFE) cho rằng sản lượng thấp hơn dự kiến trong niên vụ cà phê 2021-2022 là nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm.
Nguồn:Hoàng Hiệp/Doanh nghiệp & Kinh doanh