menu search
Đóng menu
Đóng

ICO: Giá cà phê thế giới tăng mạnh do căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ

16:16 10/01/2024

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, giá cà phê thế giới đạt mức cao nhất 9 tháng trở lại đây do căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ khiến một số hãng tàu phải điều chỉnh lại tuyến đường chở cà phê, đẩy chi phí vận chuyển tăng lên. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu có xu hướng tăng trở lại sau khi sụt giảm vào niên vụ trước.
Giá cà phê tăng gần 9% do căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ
Theo báo cáo của ICO, giá cà phê toàn cầu (I-CIP) đạt trung bình 175,7 US cent/pound trong tháng 12/2023 (khoảng 163,9 - 186,04 US cent/pound), tăng 8,8% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được trong 9 tháng trở lại đây.
Trong đó, giá của nhóm cà phê arabica Colombia và arabica khác tăng 7,6% và 6,9%, đạt lần lượt là 210,7 US cent/pound và 210,8 US cent/pound.
Giá của nhóm cà phê arabica Brazil cũng tăng 9,4% lên mức trung bình 185,2 US cent/pound. Đặc biệt, giá cà phê robusta tăng tới 10,5% lên 135,5 US cent/pound, mức cao nhất kể từ tháng 5/1995.
ICO cho biết, căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ đã khiến một số hãng tàu phải điều chỉnh lại tuyến đường chở cà phê của họ.
Do đó, đối với cà phê Đông Nam Á và Đông Phi trên đường đến châu Âu, những tác động không lường trước được bao gồm việc tăng chi phí vận chuyển do một số công ty vận tải đã đưa ra các khoản phụ phí để bù đắp cho thời gian vận chuyển kéo dài.
Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2023

Nguồn: ICO
Trên thị trường kỳ hạn New York, giá cà phê arabica cũng ghi nhận mức tăng 9,6% lên 186,7 US cent/pound. Trong khi giá robusta trên sàn London tăng 12,2% lên 123,9 US cent/pound, mức cao nhất trong 28 năm.
Chênh lệch giá giữa thị trường kỳ hạn London và New York tăng 5% lên 62,8 US cent/pound trong tháng 12/2023.
Tồn kho cà phê arabica được chứng nhận trên sàn giao dịch hàng hoá New York tiếp tục giảm 15% xuống chỉ còn 0,3 triệu bao (loại 60 kg/bao), mức thấp nhất từng ghi nhận được. Trong khi tồn kho robusta trên sàn London tăng mạnh 68,4% lên 0,6 triệu bao.
ICO dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 tăng 5,8% so với niên vụ trước lên 178 triệu bao, trong đó sản lượng của cà phê arabica tăng 8,8% lên 102,2 triệu bao và robusta tăng 2,1% lên 75,8 triệu bao.
Trong khi đó, tiêu thụ dự kiến tăng 2,2% lên 177 triệu bao, thị trường cà phê thế giới sẽ thặng dư 1 triệu bao trong niên vụ 2023-2024.
Tồn kho cà phê được chứng nhận trên sàn New York và London tính đến cuối năm 2023

Nguồn: ICO
Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng trở lại vào đầu niên vụ 2023-2024
Sau khi giảm vào niên vụ trước, thương mại cà phê toàn cầu đang cho thấy xu hướng tăng trở lại. Số liệu của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 10,6 triệu bao trong tháng 11/2023, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đưa tổng xuất khẩu trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 và tháng 11/2023) lên 20,2 triệu bao, tăng 3,1% so với niên vụ trước.
Xét về tỷ trọng, cà phê nhân xanh chiếm tới 92% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 11 với 9,8 triệu bao, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê nhân xanh tăng 3,9% lên 18,4 triệu bao.
Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica Colombia đã tăng tới 34% lên 1,15 triệu bao trong tháng 11. Chủ yếu do Colombia, quốc gia xuất khẩu chính của nhóm cà phê này ghi nhận mức tăng 35,6%. Với kết quả này, xuất khẩu nhóm cà phê arabica Colombia đã tăng 18,7% trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024 lên 2,1 triệu bao.
Trong tháng 11, xuất khẩu của nhóm arabica khác cũng tăng mạnh 17,9% lên 1,3 triệu bao. Mức tăng trưởng hai con số này phần lớn đến từ Peru, khi xuất khẩu cà phê của nước này tăng tới 60,1% lên 0,6 triệu bao, sau khi tăng 28,9% trong tháng 10. Các điều kiện sản xuất tại Peru đã trở lại bình thường trong niên vụ 2023-2024 sau khi giảm mạnh vào niên vụ trước.
Như vậy, xuất khẩu nhóm cà phê arabica khác đã tăng 9,2% trong 2 tháng đầu niên vụ cà phê 2023-2024 lên hơn 2,7 triệu bao.
Ngoài ra, xuất khẩu nhóm cà phê arabica Brazil tăng 1,6% lên 3,6 triệu bao trong tháng 11 và tăng 4% sau 2 tháng đầu tiên của niên vụ 2023-2024, đạt hơn 7,3 triệu bao. Brazil, nước xuất khẩu chính của nhóm cà phê này đã bán ra 3,2 triệu bao trong tháng 11, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, xuất khẩu robusta tăng 4% lên 3,7 triệu bao trong tháng 11. Đây là khối lượng xuất khẩu trong tháng 11 lớn nhất từng được ghi nhận, vượt mức đỉnh thiết lập được vào tháng 11/2022 do xuất khẩu robusta của Brazil tăng đột biến 850,2%.
Mặc dù vậy, tổng xuất khẩu cà phê robusta trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024 vẫn giảm 2,5% so với cùng kỳ niên vụ trước, ở mức 6,2 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh trong 2 tháng đầu niên vụ 2020-2021 đến 2023-2024 (Tháng 10 và tháng 11)

Nguồn: ICO
Trái ngược với cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan giảm 25,4% trong tháng 11 và giảm 3% trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024, xuống còn 1,75 triệu bao.
Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê các loại từ đầu niên vụ đến nay là 8,6%, giảm từ mức 9,2% của cùng kỳ năm trước. Brazil, nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, đã vận chuyển 0,24 triệu bao ra thị trường thế giới trong tháng 11 vừa qua.
Xuất khẩu cà phê đã rang cũng giảm 15,5% trong tháng 11 và tính chung 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024 chỉ đạt 0,1 triệu bao, giảm so với mức 0,13 triệu bao trong cùng kỳ niên vụ trước.
Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 2 tháng đầu niên vụ 2020-2021 đến 2023-2024

Nguồn: ICO
Xuất khẩu của khu vực Nam Mỹ tăng mạnh, trong khi châu Á sụt giảm
Tháng 11/2023, xuất khẩu cà phê các loại của khu vực Nam Mỹ đã tăng 24,7% lên gần 6,1 triệu bao. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực chủ yếu đến từ Brazil, quốc gia này ghi nhận khối lượng xuất khẩu tăng 21,1% lên hơn 4,3 triệu bao.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê robusta của Brazil trong tháng 11 đã tăng đột biến 9,5 lần (850,2%), lên 0,86 triệu bao từ 0,09 triệu bao của cùng kỳ năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục của Brazil, vượt xa mức đỉnh 0,7 triệu bao đạt được vào tháng 8/2023.
Brazil là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, chiếm 8,1% xuất khẩu robusta toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 với hơn 3,9 triệu bao.
Tuy nhiên, chỉ trong 4 tháng từ tháng 7 đến tháng 10/2023, thị phần của Brazil trong tổng xuất khẩu robusta toàn cầu đã tăng gấp hơn 2 lần lên 22,3%, với 3,09 triệu bao. Brazil đã tận dụng khá tốt cơ hội từ thị trường khi nhu cầu thế giới ở mức cao, trong khi sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam, nước xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới giảm mạnh 27,5% trong quãng thời gian kể trên xuống còn 4,9 triệu bao.
Việc xuất khẩu cà phê robusta của Brazil tiếp tục tăng mạnh vào tháng 11/2023 bất chấp sự phục hồi của Việt Nam cho thấy sự đột phá mạnh mẽ của nước này trên thị trường robusta thế giới và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.
Xuất khẩu cà phê của khu vực Trung Mỹ và Mexico cũng tăng 15,7% lên 0,4 triệu bao vào tháng 11. Đưa tổng xuất khẩu của khu vực tăng 11% trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024 lên 0,9 triệu bao.
Guatemala, Honduras và Mexico, ba quốc gia xuất khẩu chính trong khu vực đã ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 114%, 29,7% và 11,8% trong tháng 11. Điều này cho thấy sản xuất của khu vực đang phục hồi sau khi giảm mạnh trong niên vụ 2022-2023.
Theo đó, tổng khối lượng xuất khẩu trung bình từ tháng 10 và tháng 11 của ba nước kể trên là 0,7 triệu bao trong niên vụ 2017-2018 đến 2021-2022, nhưng đã giảm 14,6% xuống còn 0,6 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Hiện con số này hiện quay trở lại mức 0,7 triệu bao trong niên vụ 2023-2024.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 2 tháng đầu niên vụ từ 2020-2021 đến 2023-2024

Nguồn: ICO
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Phi giảm 13,5% trong tháng 11 và giảm 8,1% trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng gần 2,1 triệu bao.
Đây đã là tháng tăng trưởng âm thứ ba liên tiếp của khu vực và một số suy đoán cho rằng sự gia tăng xuất khẩu của Brazil đang lấn át các nhà xuất khẩu robusta truyền thống ra khỏi thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cà phê của châu Phi, nơi sản xuất robusta chủ yếu.
Bên cạnh đó, Uganda, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất ở châu Phi, cũng bị ảnh hưởng bởi vụ thu hoạch bị trì hoãn, tác động tiêu cực đến nguồn cung sẵn có.
Xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực châu Á và châu Đại Dương cũng giảm mạnh 18% xuống còn 3,1 triệu bao trong tháng 11. Nguyên nhân là bởi xuất khẩu của Indonesia giảm 45,2% xuống chỉ còn 0,5 triệu bao, mức thấp nhất kể từ năm 2018.
Sản lượng thu hoạch của Indonesia ước tính giảm 16,6% trong niên vụ 2023-2024, xuống còn 10 triệu bao từ 12 triệu bao của niên vụ 2022-2023 do thời tiết bất lợi, mưa quá nhiều trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 5/2023 đã làm hư hỏng trái cà phê.
Xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm 7,7% trong tháng 11, nhưng đang cho thấy sự cải thiện đáng kể so với mức giảm mạnh 23,6%, 45,0% và 44,7% trong tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2023. Điều này cho thấy các vấn đề về nguồn cung tại Việt Nam đã bắt đầu được giải quyết, sau khi mức tồn kho được báo cáo ở mức thấp nhất nhiều năm vào quý IV của niên vụ 2022-2023.

Nguồn:Hoàng Hiệp/Doanh nghiệp & Kinh doanh

Link gốc