menu search
Đóng menu
Đóng

Một số mặt hàng nông sản đồng bằng song Cửu Long tăng giá

09:20 28/08/2017

Vinanet - Hiện nay, tại các địa phương đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, nhiều nông dân trồng dưa leo, khổ qua, hành lá rất phấn khởi khi giá các loại nông sản này đang ở mức cao, người trồng có lãi khá.
Theo nhiều nông dân, dưa leo, khổ qua, hành lá tăng giá mạnh trong những ngày qua là do mùa này, thời tiết thất thường thêm vào đó mùa lũ nước lên cao, nhiều hộ ở vùng trũng, đầu nguồn bị ngập nước không trồng mà chuyển sang trồng các loại rau màu khác.
Cụ thể, thương lái thu mua dưa leo tại ruộng với giá từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tuần trước. Riêng khổ qua có giá 6.500 - 8.000 đồng/kg (tùy loại), tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 7. Mỗi công dưa leo và khổ qua (1.000m2) có năng suất từ 1,5 - 1,8 tấn, nông dân thu được lợi nhuận khoảng 6-7 triệu đồng.
Đối với giá hành lá hơn một tuần qua bắt đầu tăng giá trở lại thương lái mua tại ruộng có giá từ 22.000- 25.000 đồng/kg tương đương (có giá từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng/tạ). Ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết, tháng trước giá bán hành lá từ 300.000 đến 400.000 đồng/tạ (mỗi tạ 60 ký). Hiện nay, thương lái mua tại ruộng từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng/tạ, nhưng không đủ hàng để bán. Năm nay, gia đình ông trồng 10 công hành lá, sau khi trừ hết các chi phí còn lời khoảng 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Cao Miên- Giám đốc Hợp tác xã Rau – Củ - Quả Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long- cho biết, giá hành lá tăng cao nông dân vô cùng phấn khởi. Đây cũng là cơ hội giúp cho người trồng có vốn đầu tư mạnh vào mùa vụ tới, năng suất, chất lượng sẽ cao hơn. Sở dĩ hành lá tăng giá bất thường là do các vụ hành vừa qua bị giảm giá mạnh, nhiều hộ trồng thua lỗ nên bỏ vụ, không xuống giống, sản lượng cung không đủ cầu và do thời tiết thất thường mưa nhiều làm năng suất thấp. Hơn nữa, năm nay lũ đồng bằng sông Cữu Long về sớm khiến cho các huyện đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp giảm diện tích gieo trồng.
Nguồn: Lê Cương/Báo Công Thương điện tử