menu search
Đóng menu
Đóng

Năm 2024 Trung Quốc, Indonesia dẫn đầu thế giới về sản lượng cá rô phi

16:38 01/02/2024

Theo dự đoán từ Rabobank và Liên minh Thủy sản Toàn cầu, năm 2024 Trung Quốc và Indonesia dẫn đầu thế giới về sản lượng cá rô phi, sẽ tăng lên hơn 7 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023 và tăng 13% so với năm 2019.

Năm 2024 Trung Quốc, Indonesia dẫn đầu thế giới về sản lượng cá rô phi

Biểu đồ sản lượng cá rô phi toàn cầu năm 2024.
Tại Hội nghị thủy sản toàn cầu năm 2024 ở Orlando, Florida, Hoa Kỳ vào ngày 25/1/2024, bà Lorin Castiglione - phóng viên thị trường hải sản của Urner Barry cho biết: Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng sản lượng cá rô phi khá ổn định, trung bình khoảng 5,4%/năm, chỉ có suy giảm nhẹ trong năm 2020 do đại dịch, nhưng sau đó tốc độ tăng trưởng vẫn tiếp tục, mặc dù ở tốc độ chậm hơn.
Theo bà Castiglione, ngành cá rô phi Trung Quốc đã bước vào giai đoạn ổn định, với tốc độ tăng trưởng khoảng 2,4%/năm.
Ngược lại, sản lượng cá rô phi của Indonesia đã tăng vọt với tốc độ chóng mặt, tăng 10,4% kể từ năm 2010. Ước tính sản lượng cá rô phi của Indonesia đạt 1,61 triệu tấn trong năm 2024 – gần với mức 1,79 triệu tấn của Trung Quốc.
Mỹ đã áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với cá rô phi Trung Quốc. Sản lượng cá rô phi ở Trung Quốc tăng trưởng chậm do các nhà sản xuất Trung Quốc phòng ngừa rủi ro bởi lo ngại về nhu cầu và giá cả. Điều đó có thể tạo ra cơ hội tăng trưởng cho các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc – đặc biệt là ở Indonesia.
Sản lượng cá rô phi của Ai Cập và các nước châu Phi năm 2024 cũng dự kiến sẽ tăng và sản lượng ở Châu Mỹ sẽ tăng nhẹ.
Tuy nhiên, nhập khẩu cá rô phi của Mỹ trong năm 2023 giảm mạnh, trong đó cá phi lê đông lạnh giảm từ 234 triệu Lb năm 2022 xuống còn 187 triệu Lb trong năm 2023 tính đến tháng 11/2023. Cá phi lê nguyên con đông lạnh và phi lê tươi đạt mức 94 triệu Lb và 47 triệu Lb tính đến tháng 11/2023, có thể sẽ không đổi hoặc tăng nhẹ so với năm 2022.
Bà Castiglione cho biết: Nhìn chung tất cả các sản phẩm từ cá rô phi đều suy giảm trong những năm gần đây, đặc biệt là từ thời điểm năm 2019 trở đi.

Nguồn:Vinanet/VITIC/seafoodsource.com