menu search
Đóng menu
Đóng

Nâng cao năng lực cạnh tranh gạo Việt

08:46 14/10/2016

Ngày 11/10, tại TP Cần Thơ, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT (IPARD) tổ chức hội thảo “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” với sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Các nhà nghiên cứu kinh tế phân tích, thành công trong phát triển SX lúa gạo ở nước ta trước hết là nhờ nhà nước đổi mới cơ chế, chính sách. Thành công trong XK gạo cũng đến sớm nhất, tạo ấn tượng mạnh nhất. Đổi mới bắt đầu tư nông nghiệp, từ SX lúa gạo trước khi mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế. SX lúa gạo được xem là ngành hàng quan trọng, được ưu tiên cao nhất trong nông nghiệp, sử dụng diện tích đất lớn nhất, phần lớn đất canh tác tốt nhất và rất nhiều ngành công nghiệp SX vật tư đầu vào, dịch vụ, đầu tư năng lực tưới tiêu vào nông nghiệp.
Trong giai đoạn tăng trưởng ấn tượng, năng suất nông nghiệp nước ta được đánh giá cao hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực. Tuy nhiên SX lúa đạt năng suất cao chủ yếu nhờ thâm canh cao, sử dụng nhiều lao động, nước, phân bón và các yếu tố đầu vào khác. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực.
TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn nghiên cứu Thị trường và ngành hàng - Viện IPARD, khuyến nghị: Cần cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi cách tiếp cận mới, từ bảo vệ đất lúa chuyển sang bảo vệ đất nông nghiệp; từ tự túc gạo chuyển sang tăng thu nhập và cải thiện dinh dưỡng cho người nông dân; từ thâm dụng nguồn lực chuyển sang sử dụng khoa học kỹ thuật và canh tác bền vững; chuyển từ tập trung vào SX sang tập trung sau thu hoạch và thương mại; từ sự chi phối của nông dân SX quy mô vừa và nhỏ sang SX quy mô lớn và liên kết chuỗi giá trị; từ kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính sang can thiệp dựa trên nguyên tắc thị trường; từ XK lương thực sang tận dụng lợi ích từ hội nhập quốc tế.
Những năm qua, XK gạo nước ta đạt trên dưới 7 triệu tấn/năm nhưng đáng chú ý tỷ trọng XK gạo thơm xu hướng tăng dần. Năm 2015 gạo thơm Việt XK đạt mức 1 triệu tấn với mức giá dao động trên dưới 500 USD/tấn. Riêng gạo thơm cao cấp giá trị cao 700 USD/tấn và nếp cẩm, gạo tẻ tím 1.000 USD/tấn. SX lúa gạo đạt giá trị cao, nông dân SX lúa thơm có khả năng nâng cao thu nhập. Vấn đề đặt ra cần nghiên cứu sâu về nhu cầu thị trường, nhà khoa học phải chọn tạo được giống lúa có phẩm chất đặc biệt.
Theo Cục Trồng trọt, đề án Tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo VN đến năm 2020, lợi nhuận cho người trồng lúa hàng hóa từ 30% tổng thu trở lên; vùng ĐBSCL tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 75%, giảm lượng giống gieo sạ còn 80 kg/ha; IPM đạt trên 75%, giảm 30% lượng phân bón, thuốc BVTV; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%, giảm 10% khí phát thải so hiện nay; 20% diện tích SX có liên kết vùng nguyên liệu, tiêu thụ; 20% gạo XK mang thương hiệu VN.
Đến năm 2030 tỷ lệ sử dụng giống xác nhận 100%; IPM và các giải pháp khác (3 giảm 3 tăng, 1 phải 6 giảm, SRI, GAP… tỉ lệ 90%; tổn thất sau thu hoạch còn 6%, giảm 20% khí phát thải; 50% liên kết SX, tiêu thụ, CĐL; 50% gạo XK mang thương hiệu và 30% gạo thơm và gạo đặc sản.
Nguồn: nongnghiep.vn