menu search
Đóng menu
Đóng

Nga - Ukraine ký “Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc” ngày 22/7/2022

14:45 26/07/2022

Ngày 22/7/2022 Ukraine và Nga đã ký kết "thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc" nhằm mục đích tăng nguồn cung, hạ giá ngũ cốc thế giới.

 
Nếu Nga giữ nguyên thỏa thuận đã ký với Ukraine cho phép nối lại xuất khẩu ngũ cốc, thì lượng ngũ cốc rất lớn sẽ được xuất khẩu sang nhiều nước, bao gồm các nước ở châu Phi. Ukraine có khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc (gồm lúa mì, ngô, hạt hướng dương và các loại ngũ cốc khác) đang tồn trong các kho chứa không thể xuất khẩu vì xung đột với Nga làm gián đoạn quá trình vận chuyển.
Ukraine là quốc gia xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu lớn trên thế giới, do đó việc xuất khẩu bị tắc nghẽn đã góp phần đẩy giá thế giới tăng mạnh. Ngày 22/7/2022 Ukraine và Nga đã ký kết "thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc" nhằm mục đích thay đổi tình hình này.
Theo thỏa thuận, Nga hứa sẽ không tấn công các tàu chở ngũ cốc trong khu vực Biển Đen. Tuy nhiên, chưa đầy 24 giờ sau khi thỏa thuận được ký kết, tên lửa của Nga đã tấn công cảng Odesa quan trọng của Ukraine, điều này có khả năng làm thỏa thuận thất bại, một nỗ lực đa quốc gia nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Các nhà kinh doanh ngũ cốc có thể miễn cưỡng tham gia vào khu vực này nếu họ cho rằng nó quá rủi ro, điều này cuối cùng sẽ làm thỏa thuận bị thất bại.
Nhưng nếu Nga giữ lời hứa, lợi ích sẽ đến ngay lập tức. Giá ngũ cốc có thể giảm do có nhiều nguồn cung hơn cho thị trường thế giới. Nhìn chung, đây sẽ là một sự cơ hội tốt cho người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở các quốc gia kém phát triển.
Việc giảm giá có thể sẽ là tín hiệu tích cực vì giá ngũ cốc thế giới vốn đã giảm khỏi mức kỷ lục trong nhiều tuần sau xung đột Nga - Ukraine. Ví dụ: Chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc tháng 6/2022 đã giảm 2% so với tháng 5/2022, đây tháng thứ ba giảm liên tiếp. Tuy nhiên, vẫn tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, có nghĩa là thỏa thuận và khả năng nối lại thương mại sẽ rất cần thiết cho thị trường ngũ cốc.
Tuy nhiên, tác động của thỏa thuận đối với giá ngũ cốc có thể thấp. Giá ngũ cốc khó có thể trở lại mức trước khi xung đột. Một số yếu tố đã đẩy giá ngũ cốc tăng trong hai năm trước khi xảy ra xung đột, gồm hạn hán ở Nam Mỹ, Đông Phi và Indonesia và nhu cầu ngũ cốc ở Trung Quốc tăng cao đã ảnh hưởng đến nguồn cung ngũ cốc toàn cầu.
Việc giảm giá và tăng nguồn cung do thỏa thuận giữa Nga và Ukraine có thể sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước nhập khẩu và người tiêu dùng trong trung hạn khi thỏa thuận được giữ nguyên và các hãng tàu sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng và vận chuyển ngũ cốc.
Châu Phi nhập khẩu khoảng 80 tỷ USD hàng nông sản mỗi năm, chủ yếu là lúa mì, dầu cọ và hạt hướng dương, riêng vùng châu Phi cận Sahara nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Do đó, giá giảm sẽ có tác động tích cực đối với các nước nhập khẩu - và cuối cùng là người tiêu dùng. Châu Phi nhập khẩu 4 tỷ USD nông sản từ Nga, trong đó 90% là lúa mì và 6% là hạt hướng dương. Các nước nhập khẩu chính là Ai Cập (50%), tiếp theo là Sudan, Nigeria, Tanzania, Algeria, Kenya và Nam Phi.
Châu Phi nhập khẩu các nông sản trị giá 2,9 tỷ USD từ Ukraine; trong đó khoảng 48% là lúa mì, 31% ngô, còn lại là dầu hướng dương, lúa mạch và đậu nành.
Việc nối lại hoạt động thương mại sẽ giúp Ukraine đẩy mạnh xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc; xuất khẩu ngũ cốc của Nga cũng sẽ tăng lên. Các nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất của châu Phi sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc nối lại các hoạt động xuất khẩu của Ukraine. Nhìn chung, việc giảm giá ngũ cốc sẽ có lợi cho người tiêu dùng trên toàn thế giới. Ngoài ra, Chương trình Lương thực Thế giới sẽ có cơ hội hỗ trợ các khu vực châu Phi đang gặp khó khăn, chẳng hạn như Đông Phi, nơi có hạn hán khắc nghiệt, cũng như các khu vực ở châu Á.
Nông dân Ukraine cũng sẽ được hưởng lợi vì nông sản được xuất khẩu sẽ không bị tồn hỏng trong các kho chứa.
Vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh thỏa thuận này sau khi Nga bắn tên lửa vào Odesa. Các cuộc thảo luận đa quốc gia sẽ là yếu tố quyết định quan trọng đến việc liệu hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Biển Đen có tiếp tục trở lại hay không. Các biện pháp cũng sẽ cần được thực hiện để đảm bảo an toàn cho hàng hóa xuất khẩu. Giá ngũ cốc và những lợi ích có thể có đối với các nước nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào những diễn biến không chắc chắn này. Tuy nhiên, bất kỳ thành công nào trong việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các nước châu Phi thông qua việc cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp của việc hạ giá ngũ cốc toàn cầu.

Nguồn:Vinanet/VITIC/ukragroconsult.com