menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành cà phê Việt đang phải chống chọi với những áp lực gì?

09:13 07/08/2024

Thị trường cà phê Việt Nam đứng trước thời điểm quan trọng khi giá tăng và sản lượng giảm đang tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội.
Áp lực từ trong ra ngoài
Ngành cà phê Việt Nam là trụ cột quan trọng của thị trường cà phê toàn cầu và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia. Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới với khoảng 97% sản lượng là cà phê Robusta. Phần còn lại bao gồm cà phê Arabica và các giống đặc sản khác.
Mặc dù lượng tiêu thụ cà phê trong nước đang tăng, xuất khẩu vẫn là nguồn thu nhập chính cho ngành sản xuất cà phê Việt Nam.
Lượng xuất khẩu cà phê ước đạt tổng cộng 25 triệu bao (loại 60 kg/bao) trong niên vụ 2023-2024, giảm khoảng 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ hai trên toàn cầu, sau Brazil.

Xuất khẩu cà phê lớn thứ hai và sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới, ngành cà phê Việt đang phải chống chọi với những áp lực gì?- Ảnh 1.

Theo Tiến sĩ Devmali Perera, giảng viên Tài chính đến từ Đại học RMIT, ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức và thay đổi đáng kể trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và áp lực môi trường tăng cao.
“Thị trường cà phê Việt Nam phải đối mặt với hai thách thức chính trong năm nay: sản lượng giảm và giá tăng. Giá tăng do nhu cầu cả trong và ngoài nước đều tăng cao, đặc biệt là tại các nước Đông Nam Á, trong khi đó điều kiện thời tiết bất lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng góp phần khiến sản lượng giảm” , Tiến sĩ Perera nhận định.
Sản xuất cà phê Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài và nhiệt độ tăng cao, với hậu quả là năng suất giảm và chất lượng cây trồng bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với gián đoạn đáng kể do tình trạng thiếu container và tắc nghẽn cảng, khiến các chuyến hàng bị trì hoãn và chi phí tăng cao. Những thách thức này càng trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng địa chính trị trên toàn thế giới.
Tiến sĩ George cho biết: “Những rào cản logistics như vậy khiến cà phê Việt Nam khó tiếp cận thị trường quốc tế đúng thời hạn, ảnh hưởng đến năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường của doanh nghiệp xuất khẩu”.
Chuỗi giá trị thiếu hiệu quả cũng đặt ra một số thách thức. Nhiều hộ sản xuất nhỏ ở Việt Nam vẫn dựa vào phương pháp canh tác truyền thống nên chất lượng và sản lượng không đồng đều. Việc thiếu cơ sở tiên tiến phục vụ chế biến và bảo quản sau thu hoạch có thể khiến chất lượng bị suy giảm đáng kể.
“Những quy định mới về môi trường, đặc biệt là các quy định của Liên minh châu Âu liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu, đòi hỏi nhà sản xuất phải điều chỉnh phương pháp canh tác và tăng chi phí tuân thủ.
Điều này tạo thêm áp lực cho nông dân sản xuất nhỏ, những người có thể không dễ dàng thích nghi nhanh chóng” , Tiến sĩ George nói.
Dù có hơn 700.000 ha đất cà phê nhưng Việt Nam đang chật vật tìm đất phù hợp để nâng cao sản lượng do lo ngại nạn phá rừng và áp lực đáp ứng các mục tiêu liên quan đến khí hậu.
Theo Tiến sĩ Perera, nhiều nông dân trồng cà phê trong nước đã chuyển sang trồng sầu riêng do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc cho loại trái cây này đang tăng. Sự thay đổi này đã làm giảm thêm diện tích dành cho sản xuất cà phê.
Ngoài ra, nông dân Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá phân bón và nhân công tăng. Giá cà phê trong nước tăng có thể bù đắp phần nào chi phí sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, chi phí sản xuất tăng khiến các đơn vị xuất khẩu gặp phải nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Perera nhận định: “Các đơn vị xuất khẩu hiện đang phải vật lộn với áp lực tài chính, thiếu hụt sản phẩm và chi phí vận chuyển cao hơn, khiến họ thận trọng hơn khi nhận đơn đặt hàng mới” .
“Nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp hạn chế đang tạo ra thêm nhiều biến động về giá cả và sự bất ổn trong thị trường cà phê” , bà nói.
Giải pháp chiến lược để đảm bảo tính bền vững và khả năng cạnh tranh
Thị trường cà phê Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng khi giá tăng và sản lượng giảm đang tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội.
Theo hai chuyên gia từ Đại học RMIT, Tiến sĩ Devmali Perera (giảng viên ngành Tài chính) và Tiến sĩ Majo George (giảng viên cấp cao ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics), các bên liên quan có thể điều hướng môi trường đầy biến động này và trang bị để thành công lâu dài bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận chiến lược. Nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và nhà đầu tư phải linh hoạt và chủ động trong chiến lược của mình để phát triển mạnh mẽ trên thị trường cà phê đầy biến động.
Ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến canh tác bền vững tập trung vào bảo tồn môi trường. Điều này có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê.
Theo Tiến sĩ Majo George, các mối quan hệ hợp tác công tư như chương trình Sản xuất kết hợp bảo vệ nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (PPI Compact) tại Đắk Lắk có thể tạo ra các mô hình bền vững và cải thiện khả năng phục hồi của nông dân. Những quan hệ đối tác này cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình nông lâm kết hợp và các phương pháp thân thiện với môi trường khác nhằm nâng cao tính bền vững lâu dài.
Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và quy trình chứng nhận nghiêm ngặt liên quan đến chế biến cà phê cũng rất quan trọng.

Xuất khẩu cà phê lớn thứ hai và sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới, ngành cà phê Việt đang phải chống chọi với những áp lực gì?- Ảnh 2.

Bên cạnh đó, cần các chương trình đào tạo cho nông dân về các biện pháp canh tác tốt nhất, cũng như cách quản lý chất lượng và quy trình chứng nhận có thể thôi thúc họ sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
“Hơn nữa, chính phủ có thể hợp tác với các trường đại học trong nước và quốc tế để tiến hành nghiên cứu về các phương pháp canh tác bền vững và công nghệ mới nhằm hỗ trợ ngành này” , Tiến sĩ Perera cho biết.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại cho đường giao thông, kho lưu trữ và nhà máy chế biến là cũng là yếu tố quan trọng để cải thiện quy trình xử lý sau thu hoạch và giảm tổn thất về chất lượng. Điều này có thể giúp hợp lý hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả vận chuyển và lưu trữ cà phê.
Hỗ trợ của chính phủ dưới hình thức hỗ trợ tài chính và trợ cấp có thể giảm chi phí sản xuất cho nông dân trồng cà phê. Đặc biệt, trợ cấp phân bón và thiết bị canh tác tiên tiến có thể giúp nông dân duy trì và cải thiện diện tích trồng cà phê với chi phí hợp lý hơn.
Ngoài ra, xúc tiến xuất khẩu là một lĩnh vực trọng tâm quan trọng khác. Các chính sách nhằm quảng bá cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, bao gồm tham gia các hội chợ thương mại toàn cầu và tận dụng các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU, có thể tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho cà phê xuất khẩu Việt Nam.
“Ngành này phải tiếp tục đổi mới và thích ứng để giảm thiểu rủi ro. Khả năng phục hồi và thích ứng của các nhà sản xuất cà phê Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và các biện pháp đổi mới, sẽ là chìa khóa để vượt qua khó khăn hiện tại và đảm bảo thành công lâu dài trên thị trường cà phê toàn cầu” , Tiến sĩ Perera kết luận.

Nguồn:Khánh Vy/Nhịp sống thị trường

Link gốc