Việc giảm mua vào của nhà nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới này có thể khiến tồn kho tại các nhà sản xuất chính là Indonesia và Malaysia tăng lên, gây áp lực lên giá dầu cọ kỳ hạn.
Sandeep Bajoria, Tổng giám đốc điều hành của Sunvin Group, cho biết hồi tháng 7/2024, lượng nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ đã vượt nhu cầu trong nước, do đó các nhà sản xuất đã giảm nhập khẩu trong tháng 8/2024. Bên cạnh đó, dầu cọ trở nên đắt đỏ hơn sau đợt tăng giá gần đây, khiến mặt hàng này giảm khả năng cạnh tranh so với các loại dầu thực vật khác. Lợi nhuận của các nhà tinh chế sụt giảm trong tháng 8/2024 khiến họ cắt giảm lượng mua vào.
Cũng trong tháng 8/2024, lượng dầu đậu tương nhập khẩu tăng 16% lên ở 456.000 tấn, mức cao nhất hai năm. Giá dầu hạt cải trong nước cũng tăng hơn 8% trong tháng 8 vừa qua, khiến một số nhà chế biến phả pha trộn hai loại dầu này với nhau. Nhập khẩu dầu hướng dương trong tháng 8/2024 đã giảm 21% xuống còn 288.000 tấn.
Lượng nhập khẩu dầu cọ và dầu hướng dương sụt giảm khiến tổng lượng dầu ăn nhập khẩu của quốc gia này giảm 17% xuống còn 1,53 triệu tấn. Ấn Độ đang cân nhắc tăng thuế nhập khẩu dầu ăn để bảo vệ quyền lợi của người nông dân khi bị ảnh hưởng bởi giá hạt có dầu thấp.
Giữa tháng 9 này, Hiệp hội chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA) sẽ công bố dữ liệu nhập khẩu của tháng 8/2024.
Trước đó hồi tháng 7/2024, nhập khẩu dầu thực vật của Ấn Độ tăng 18% lên mức 1,9 triệu tấn. Lượng dầu hướng dương nhập khẩu trong tháng 7/2024 tăng 14% đạt 367.000 tấn, trong đó, Nga cung cấp khối lượng lớn nhất 190.000 tấn.
Ấn Độ mua dầu cọ chủ yếu từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong khi nhập khẩu dầu đậu tương và dầu hướng dương từ Argentina, Brazil, Nga và Ukraine.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Ukragroconsult