menu search
Đóng menu
Đóng

Nhập khẩu dầu thô vào châu Á cao kỷ lục

09:21 22/08/2023

Nhập khẩu dầu thô vào châu Á tháng 7 đã tăng lên mức cao kỷ lục, đạt 27,92 triệu thùng/ngày, vượt mức cao kỷ lục trước đó (là 27,35 triệu thùng/ngày và cao hơn mức 27,53 triệu thùng/ngày của tháng 6.
 
Kết quả đó là do hai khách hàng lớn nhất của khu vực, Trung Quốc và Ấn Độ, tiếp tục mua một lượng lớn dầu giá rẻ của Nga, theo dữ liệu do Refinitiv Oil Research.
Lượng dầu thô nhập khẩu vào châu Á trong tháng 7 gia tăng được cho là do giá dầu giảm trong giai đoạn tháng 3-5, khi dầu Brent giảm xuống mức thấp 71,28 USD/thùng vào ngày 4 tháng 5, và các hợp đồng ký trong giai đoạn đó đến tháng 7 mới giao hàng.
Sự phục hồi về giá kể từ đó sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu trong những tháng tới, điều này có thể làm giảm bớt nhu cầu của các khách hàng châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, quốc gia thường được coi là nhạy cảm hơn với giá cả so với các nền kinh tế phát triển ở Bắc Á.
Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - chiếm phần lớn nhất trong tổng nhập khẩu dầu của Châu Á. Theo dữ liệu của Refinitiv, Trung Quốc đã tiếp nhận 12,04 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 7, là tháng thứ ba liên tiếp nhập khẩu trên 12 triệu thùng/ngày.
Nga tiếp tục là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc, với lượng hàng đến bằng đường ống và đường biển là 2,04 triệu thùng/ngày trong tháng 7, vượt mức nhập từ Saudi Arabia (1,82 triệu thùng/ngày trong tháng 7, giảm từ 1,94 triệu thùng/ngày trong tháng 6). Trong tháng 6, Trung Quốc nhập khẩu 2,56 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày.
Việc Trung Quốc giảm nhập từ cả Nga và Saudi Arabia được cho là bởi hai nhà sản xuất hàng đầu trong nhóm các nước xuất khẩu OPEC+ cắt giảm sản lượng bổ sung.
Trung Quốc đã tăng khối lượng mua từ các nhà sản xuất khác, nhất là Angola – một quốc gia ở miền nam châu Phi, với khối lượng dầu tiếp nhận trong tháng 7 là 900.000 thùng/ngày, tăng gấp đôi so với mức 450.000 thùng/ngày của tháng 6 và gần gấp đôi mức trung bình 515.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2023.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường nhập khẩu từ Oman, một nhà sản xuất ở Trung Đông không thuộc OPEC nhưng là một phần của liên minh OPEC+, với khối lượng 910.000 thùng/ngày trong tháng 7, tăng so với 760.000 thùng/ngày trong tháng 6, đưa Oman trở thành nhà cung cấp lớn thứ tư cho Trung Quốc trong tháng 7, sau Nga, Saudi Arabia và Iraq.
Việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu dầu thô còn có một lý do khác nữa là nhằm làm đầy các kho dự trữ dầu thương mại hoặc kho dự trữ chiến lược.
Theo tính toán của Refinitiv dựa trên dữ liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc, lượng dự trữ dầu thô của nước này trong tháng 6 ước đạt 2,1 triệu thùng/ngày, và trong 6 tháng đầu năm đạt 950.000 thùng/ngày.
Trung Quốc không công bố dữ liệu về các kho dự trữ dầu chiến lược và thương mại nên các tổ chức quốc tế chỉ có thể ước tính số lượng bằng cách trừ lượng dầu thô đã qua chế biến khỏi tổng lượng dầu thô có sẵn từ nhập khẩu và sản lượng trong nước.
Trong tháng 7, Ấn Đọ cũng tăng mạnh nhập khẩu dầu thô, với là 4,94 triệu thùng/ngày, cao nhất trong 5 tháng, theo dữ liệu của Refinitiv. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tiếp tục sử dụng dầu thô giảm giá của Nga, với lượng tiếp nhận trong tháng 7 ước tính ở mức cao nhất mọi thời đại, là 2,08 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, sản lượng của Nga giảm xuống cùng với động thái nâng giá xuất khẩu của Moscow có thể làm giảm nhu cầu dầu thô Nga nhập vào Ấn Độ trong những tháng tới.
Ngoài hai thị trường kể trên, nhập khẩu dầu vào nhiều nước châu Á khác cũng tăng trong tháng 7, với nhập khẩu của Nhật Bản ước đạt 2,49 triệu thùng/ngày, tăng so với 2,11 triệu thùng/ngày của tháng 6, trong khi của Hàn Quốc là 2,76 triệu thùng/ngày, tăng từ 2,53 triệu thùng/ngày trong tháng 6.
Về nguồn cung, ngoài các nguồn cung cấp lớn truyền thống, các nhà máy lọc dầu châu Á đã đặt mua khối lượng dầu thô Mỹ gần cao kỷ lục, sẽ được vận chuyển trong tháng 8 này, thay thế dầu Trung Đông do giá dầu Mỹ cạnh tranh và nguồn cung dồi dào.
Reuters dẫn một nguồn tin thương mại ở Singapore cho hay, khoảng 1,5 triệu đến 1,9 triệu thùng mỗi ngày (bpd) dầu thô của Mỹ, chủ yếu là dầu ngọt nhẹ (WTI), sẽ được chuyển đến châu Á trong tháng 8. Theo dữ liệu theo dõi vận chuyển từ Kpler, con số trên chỉ thấp hơn mức kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày nhập khẩu trong tháng 4.
“Gần đây, dầu thô của Mỹ đang được đẩy mạnh sang châu Á”, một nguồn tin thương mại có trụ sở tại Singapore cho biết.
Dòng chảy dầu thô Mỹ gia tăng đến châu Á được hỗ trợ bởi mức chiết khấu đối với dầu WTI nhiều hơn so với dầu tiêu chuẩn Dubai của Trung Đông, điều này giúp việc vận chuyển dầu từ Mỹ trở nên kinh tế hơn đối với khách hàng châu Á. Các nhà phân tích từ công ty tư vấn Energy Aspects cho biết: “Chúng tôi dự báo xuất khẩu của Mỹ sang châu Á sẽ tăng trong quý III/23 so với quý II/2023, với việc Trung Quốc và thậm chí cả Nhật Bản tăng mua”.
Mức chiết khấu trung bình đối với hợp đồng tương lai WTI so với các hợp đồng dầu tiêu chuẩn Dubai là 5,4 USD/thùng, ở thời điểm 20/7, thấp hơn mức 6,08 USD/thùng vào tháng trước nhưng cao hơn mức 3,93 USD/thùng trong tháng 5.
Ngoài ra, dầu thô của Mỹ được tăng mua vì các nhà máy lọc dầu châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, tìm cách thay thế dầu thô đắt đỏ của Saudi Arabia sau khi công ty quốc doanh Saudi Aramco tăng giá bán chính thức (OSP) trong hai tháng liên tiếp. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Mỹ đạt 3,05 triệu tấn, tương đương 742.824 thùng/ngày, trong tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.
 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters)

Tags: dầu