Thông tin từ VASEP cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm sang EU chiếm tỷ trọng cao nhất với 52,5% tổng kim ngạch thủy sản sang thị trường này. Theo đó, trong số 486 triệu USD thì riêng thị trường EU đạt 256 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá ngừ cũng tăng mạnh tới 31% với kim ngạch trên 74 triệu USD, chiếm trên 15%. Các loại cá biển khác chỉ chiếm 7% với khoảng 33 triệu USD, tăng 21%. Trong đó chủ yếu là cá tuyết với gần 5 triệu USD là sản phẩm gia công từ nguyên liệu nhập khẩu từ nước khác. Các sản phẩm khác từ cá biển gồm surimi (tăng gấp đôi lên 4 triệu USD), cá cờ… Nguồn nguyên liệu cá biển hạn chế, cùng với quy định chứng nhận, xác nhận nguyên liệu khai thác theo quy định IUU của EU càng khiến cho các loại cá biển khó xuất khẩu sang EU.
Tương tự, xuất khẩu mực, bạch tuộc, nghêu, cá ngừ và các loại cá biển khác sang thị trường EU trong nửa đầu năm mang lại kim ngạch khả quan hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mực tăng 56%, đạt gần 21 triệu USD, bạch tuộc tăng 33%, đạt 5,5 triệu USD. Xuất khẩu nghêu sang EU tăng mạnh 45%, đạt 33 triệu USD, đây cũng là mặt hàng quan trọng xuất khẩu sang EU, chiếm 7%.
Riêng cá tra vẫn giảm 18% so với cùng kỳ, đạt gần 58 triệu USD, chiếm chưa tới 12% xuất khẩu thuỷ sản sang EU. Xuất khẩu cua, ghẹ và giáp xác khác sang EU cũng giảm một nửa xuống còn dưới 2,5 triệu USD, chủ yếu là xuất khẩu ghẹ giảm 44%.
Theo đánh giá của VASEP, EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, chiếm tỷ trọng trên 11%. Trong đó, những thị trường chi phối trong khối này là Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy là những thị trường chính tiêu thụ tôm và cá ngừ của Việt Nam.
Nhìn chung, kinh tế các nước EU đang hồi phục nhờ những chuyển biến tích cực sau chương trình tiêm phòng vắc xin chống Covid và các gói hỗ trợ sau Covid. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ thị trường EU bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3/2021 và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, hiện nay vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động xuất khẩu. Đơn cử tại Đồng Tháp hiện ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên mỗi ngày, trong đó một doanh nghiệp thủy sản ở huyện Cao Lãnh đã phát hiện 312 người dương tính nCoV. Tại Tiền Giang, tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến Công ty CP Thủy sản Sông Tiền đang phải chật vật tìm phương án vận hành hiệu quả mà vẫn phải đảm bảo nghiêm tiêu chí an toàn chống dịch.
Tại An Giang, bà Đỗ Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Công ty CP Thủy sản Nam Việt - cho biết, để đáp ứng tiêu chí “3 tại chỗ” doanh nghiệp này đã phải cho lao động tạm thời ở nhà, đồng nghĩa với công suất bị cắt giảm 50%. Tuy nhiên để đồng lòng cùng Chính phủ chống dịch thì đây là giải pháp tốt nhất.
“Với công suất hiện tại, chúng tôi khó lòng đáp ứng tiến độ đơn hàng cho đối tác. Do đó Nam Việt đã gửi thư cho đối tác mong thông cảm và hỗ trợ tăng giá bởi giá thành sản xuất bị đội lên do chi phí chống dịch” - bà Thủy chia sẻ.
Theo đánh giá của VASRP, Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này nếu nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid đang bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, với thực trạng Covid như hiện nay cùng với vấn đề thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang EU nửa cuối năm không thể duy trì tăng trưởng như nửa đầu năm. Theo ước tính của VASEP, thủy sản sang EU nửa cuối năm chỉ đạt khoảng 600 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2021 lên 1,087 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020.
Nguồn:congthuong.vn