menu search
Đóng menu
Đóng

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, thức ăn chăn nuôi “đội giá”

09:47 15/07/2021

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) NK liên tục tăng từ cuối năm ngoái đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá TACN tại thị trường nội địa, đẩy không ít hộ chăn nuôi vào cảnh khó khăn. Muốn giảm phụ thuộc NK, dần tránh cảnh “ăn đong”, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản, phát triển bền vững nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian qua gây không ít khó khăn cho các hộ chăn nuôi gia cầm. Ảnh: N.Thanh

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian qua gây không ít khó khăn cho các hộ chăn nuôi gia cầm. Ảnh: N.Thanh
Giá thịt đi xuống, giá thức ăn chăn nuôi đi lên
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2021, giá lợn hơi xuất chuồng tại trại theo xu hướng giảm, rõ nét nhất từ tháng 4/2021 sang tháng 5/2021. Thời điểm hiện nay, giá đang dao động ở mức từ 62.000 - 69.000 đồng/kg tại miền Bắc, từ 63.000 - 70.000 đồng/kg tại miền Trung và từ 61.000 - 68.000 đồng/kg tại miền Nam.
Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu TACN đều tăng so với cùng kỳ 2020. Trong đó, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Cụ thể, ngô hạt 7.616,7 đồng/kg, tăng 35,1%; khô dầu đậu tương 13.091 đồng/kg, tăng 35,5%; DDGS (bã ngô) 8.847 đồng/kg, tăng 46%...
Do giá nguyên liệu TACN tăng mạnh, giá TACN thành phẩm 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ 2020. Cụ thể, giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60kg đến xuất chuồng hiện là 10.785,8 đồng/kg, tăng 14,6%; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu là 10.885,4 đồng/kg, tăng 14,4%; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng là 11.206,9 đồng/kg, tăng 12,1%.
Trong khi giá lợn theo chiều hướng giảm thì giá TACN lại liên tục tăng cao.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, với giá lợn giống từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/con, cùng với việc giá TACN tăng cao, giá bán giảm khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Trong khi đó, đối với chăn nuôi trang trại khép kín chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, giết mổ đến phân phối thị trường vẫn tồn tại và có lãi. “Mặc dù khó khăn này chỉ là tạm thời, nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm nỗ lực khôi phục đàn lợn”, ông Chinh nói.
Với ngành chăn nuôi gia cầm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đánh giá, chưa bao giờ các DN ngành chăn nuôi gặp phải những khó khăn như hiện nay khi phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng lớn: tác động của dịch Covid-19 và khủng hoảng về mặt thị trường.
“Suốt 1 năm nay, giá gia cầm luôn ở mức thấp dưới giá thành. Khảo sát cho thấy, giá bình quân nhiều mặt hàng trong tháng 6/2021 đã giảm 20 – 30% so với cùng kỳ năm 2020. Thời điểm hiện nay, giá một số sản phẩm gia cầm đang có chiều hướng tăng, tuy nhiên mức tăng này chưa bù đủ với mức tăng của chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí TACN. Việc tái đàn của hộ chăn nuôi và DN vẫn đang cầm chừng vì giá TACN đang tăng quá cao, giá sản phẩm bán ra không bù được chi phí đầu vào”, ông Sơn nói.
Cần chiến lược phát triển nguyên liệu
Về nguyên nhân khiến giá TACN liên tục tăng từ tháng 10/2020 đến nay, không ít ý kiến cho rằng chủ yếu do giá nguyên liệu TACN NK tăng mạnh.
Ông Dương Tất Thắng, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao do chi phí sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước... Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng TACN (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường).
Nhìn nhận câu chuyện nóng nhất hiện nay với ngành chăn nuôi chính là chi phí đầu vào, đặc biệt là TACN tăng cao, ông Sơn phân tích thêm, phần lớn nguyên liệu sản xuất TACN của Việt Nam phải NK từ nước ngoài. Năm 2020, cả nước nhập 20,4 triệu tấn nguyên liệu TACN với trị giá 6 tỷ USD. Trong đó nhiều mặt hàng nguyên liệu phải NK 80 – 90%. Điều này dẫn tới tình trạng khi giá nguyên liệu của thế giới biến động do mất mùa, giảm diện tích hay đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến giá TACN của Việt Nam tăng vọt.
Dự báo, giá các nguyên liệu TACN chính vẫn có thể tăng trong thời gian tới do các thông tin về tồn kho vụ cũ và diện tích trồng ngô, đậu tương vụ mới của Mỹ đều thấp hơn dự kiến, đồng thời do nhu cầu ngô sản xuất ethanol của Mỹ tăng cao dẫn tới hạn chế nguồn cung ngô dùng cho chăn nuôi. “Giá TACN thành phẩm trong nước có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. 6 tháng cuối năm, ngành chăn nuôi sẽ vẫn khó khăn”, ông Tống Xuân Chinh nói.
“Ở đây đang thiếu hẳn một chiến lược phát triển bền vững nguyên liệu TACN. Mặc dù chiếm vị trí nhất nhì khu vực Đông Nam Á nhưng thực chất ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn là ngành gia công, “ăn đong” nguyên liệu của thế giới. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên có chiến lược phát triển nguyên liệu TACN, tránh phụ thuộc NK như hiện nay”, ông Sơn nhấn mạnh.
Về phía Cục Chăn nuôi, ông Chinh khẳng định, Cục sẽ tiếp tục theo dõi để có những chỉ đạo, dự báo thị trường nguyên liệu TACN, thị trường thịt lợn, gia cầm phù hợp và sát thực tế hơn nhằm giúp bà con có định hướng phát triển phù hợp với thực tế. Cùng với đó, việc chuyển đổi sang nuôi gia súc ăn cỏ như bò, trâu, thỏ, dê hay đẩy mạnh trồng nguyên liệu TACN ví dụ như ngô sinh khối cũng là những định hướng quan trọng đối với các nông hộ.

Nguồn:haiquanonline.com.vn