menu search
Đóng menu
Đóng

Quý 1 giảm sâu, xuất khẩu thủy sản dự báo vẫn khó khăn

09:05 03/04/2023

Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) thủy sản đã rất nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, song nhiều mặt hàng XK chủ lực giảm sâu kéo kết quả XK trong quý 1/2023 vẫn giảm tới 27% so với cùng kỳ.

Tôm xuất khẩu giảm 40%
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3/2023, XK thủy sản của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước XK trong quý 1/2023 sẽ đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng tháng 3/2022, XK thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. XK các mặt hàng chủ lực vẫn giảm 8 – 39%. Trong đó, XK tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Tuy nhiên, XK các loài cá biển khác vẫn tăng trưởng dương 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, tính đến hết quý 1/2023, XK tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, cá tra đạt 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ và cá ngừ giảm 31% đạt 179 triệu USD. XK mực, bạch tuộc cũng thấp hơn 8% so với cùng kỳ đạt 54 triệu USD. Riêng XK các loài cá biển vẫn tăng nhẹ 3% đạt 435 triệu USD.
Thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu cũng giảm theo.
Hiện ngành tôm cũng đối diện nhiều thách thức. Đó là dịch bệnh, biến đổi khí hậu, vùng nuôi nhỏ lẻ, thiếu sự đồng bộ trong khi các nước như Ecuador có vùng nuôi rộng lớn.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, từ đầu năm tới nay xuất khẩu giảm, có nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp vẫn trong tâm thế phát triển, tăng trưởng để cung cấp thực phẩm cho thế giới.
Theo ông Hòe, để giúp cho ngành thủy sản tăng trưởng ấn tượng không còn gì khác bằng việc nâng giá trị sản phẩm thủy sản. Những kết quả vừa qua do chúng ta đã gia tăng giá trị chế biến thủy sản, trong khi các nước khác như Ấn Độ, Ecuador họ tập trung vào sơ chế.
Dự báo XK thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý 2/2023 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.
Doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, từ đầu năm tới nay xuất khẩu giảm, có nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp vẫn trong tâm thế phát triển, tăng trưởng để cung cấp thực phẩm cho thế giới.
Theo ông Hòe, để giúp cho ngành thủy sản tăng trưởng ấn tượng không còn gì khác bằng việc nâng giá trị sản phẩm thủy sản. Những kết quả vừa qua do chúng ta đã gia tăng giá trị chế biến thủy sản, trong khi các nước khác như Ấn Độ, Ecuador họ tập trung vào sơ chế.
Từ phân tích đánh giá thị trường, đại diện VASEP đã đưa ra nhhận định xu hướng XK một số sản phẩm thủy sản trong nửa đầu năm 2023 vẫn rất khó khăn.
Trong đó, XK tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. XK cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid-19.
XK các loài cá biển tiếp tục tăng, trong đó có đóng góp ngày càng lớn của hàng gia công, XK và hàng sản xuất xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu như cá hồi, cá tuyết cod, cá minh thái. Tại các thị trường lớn như Mỹ, EU đang có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm truyền thống tại các siêu thị cho người tiêu dùng châu Á. Do vậy, XK hàng khô (cá, tôm, mực), nước mắm, chả cá, đồ hộp sẽ tăng.
Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà XK và các thương gia các nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. XK sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.
Từ thực tế biến động thị trường, các doanh nghiệp thủy sản có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm XK. Ví dụ, với Trung Quốc thì ngoài sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng XK tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch.
Với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, doanh nghiệp quan tâm hơn đến xu hướng nhập khẩu hàng cho các siêu thị châu Á, nghĩa là các dòng sản phẩm truyền thống của người châu Á vẫn đang hút khách: hàng khô, nước mắm, mắm ruốc…
Trong thời gian qua, các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao đã tích cực xúc tiến nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị, diễn đàn kết nối giao thương với một số thị trường. Các doanh nghiệp thủy sản mong muốn tiếp tục được tham gia các chương trình giao thương như vậy với các thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm để tìm kiếm bạn hàng, đẩy mạnh XK.
Bên cạnh đó, bối cảnh thị trường khó khăn năm 2023, doanh nghiệp rất trông chờ các cơ quan quản lý giúp tháo gỡ những khó khăn bất cập trước mắt cho doanh nghiệp để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh XK, đặc biệt là chính sách và triển khai lãi suất ưu đãi cho bà con nông, ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc