menu search
Đóng menu
Đóng

Sôi động thị trường lúa nếp

10:20 14/08/2016

Năm nay, nhu cầu của thị trường xuất khẩu gạo tăng mạnh, thương lái và nông dân cũng “sốt” theo. Quý I/2016, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng đột biến, đạt 1,9 triệu tấn do các hợp đồng lớn từ thị trường tập trung Philippines, Indonesia, Trung Quốc… gối đầu chuyển sang còn nhiều.
Trong khi đó, vụ đông xuân 2015 - 2016 do hạn mặn nên sản lượng lúa ĐBSCL giảm 700 nghìn tấn, dẫn đến nguồn cung nguyên liệu hạn chế. Giá lúa tăng mạnh, loại hạt dài có giá 5.000 - 5.100đ/kg, loại thường 4.650 - 4.750đ/kg. Theo Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa là 3.449đ/kg, như vậy nông dân lãi đậm, bình quân 30 triệu đồng/ha.
Theo thông tin dự báo, tình hình xuất khẩu gạo còn tiếp tục sáng sủa đến hết năm. Do vậy, thương lái đổ xô đi đặt cọc nông dân để mua lúa của vụ tiếp theo với giá lúa loại thường IR50404 là 4.450đ/kg, loại hạt dài như các giống OM có giá 4.900đ/kg. Sản xuất lúa nếp còn trúng mùa, trúng giá đậm hơn. Giá lúa nếp từ vụ đông xuân sang hè thu sớm liên tục tăng dần lên 6.800đ/kg. Năng suất lúa nếp đạt bình quân 9-9,5 tấn/ha. Trừ mọi chi phí, nông dân lãi 50 triệu đồng/ha.
Có thể nói, chưa năm nào giá nếp tăng cao và giữ ổn định như năm nay. Lợi nhuận trồng lúa so với nếp chêch lệch nhau 20 triệu đồng/ha, khiến nông dân nhiều nơi đổ xô bỏ lúa trồng nếp. Tuy chưa có con số thống kê, nhưng ước tính, bình quân ở mỗi tỉnh ĐBSCL diện tích trồng nếp đã tăng ít nhất 3.000 ha và sẽ tiếp tục tăng vì thương lái bao giá với tuyên bố mạnh: có bao nhiêu nếp cũng mua! Thị trường tiêu thụ nếp chủ yếu là Trung Quốc. Thương lái tuyên bố mạnh vì Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: năm 2015, xuất khẩu nếp Việt Nam sang Trung Quốc đạt 391.800 tấn, giảm 5,9% so với năm 2014. Nhưng chỉ riêng tháng 3/2016, sản lượng xuất khẩu nếp Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt con số kỷ lục 114.000 tấn, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ 2015. Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng cho biết, thị trường xuất khẩu lúa nếp sắp tới vẫn sôi động vì hợp đồng xuất khẩu mặt hàng này của các DN thành viên VFA sang Trung Quốc vẫn còn gần 330 nghìn tấn. Niềm tin của nông dân và thương lái lại càng được củng cố khi nguồn gạo thơm nguyên liệu cũng thiếu hụt, giá tăng cao. Theo VFA, gạo thơm Jasmine Việt Nam giao dịch tháng 4/2016 có giá 470-475 USD/tấn, sang tháng 5 do nguồn cung khan hiếm, giá vọt lên 485 USD/tấn.
Bước sang quý II/2016, thương lái choáng váng khi xuất khẩu gạo giảm mạnh, kéo giá lúa giảm theo. VFA chỉ đề ra kế hoạch xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo, thấp hơn 400 nghìn tấn so với quý I. Nguyên nhân được VFA lý giải là hợp đồng xuất khẩu phân khúc gạo thông dụng sang các thị trường tập trung đã thực hiện xong, hợp đồng mới ký thì gặp rất nhiều khó khăn nên giá lúa giảm.
DN cho biết, giá lúa giảm còn là vì chất lượng lúa hè thu luôn kém hơn đông xuân lại gặp mưa nhiều, khi xay xát gạo bị gãy, bể hạt. So với vụ đông xuân, giá lúa hè thu thấp hơn 400 - 500đ/kg. Những thương lái đã bỏ cọc mua lúa giá cao giờ phải lặn lội tìm chủ lúa năn nỉ giảm bớt 200đ/kg, nếu không thì bỏ cọc. Nông dân buộc phải chấp nhận vì không bán lúa cho lái thì bán cho ai! Thế nhưng đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 giá lúa ĐBSCL tiếp tục giảm sâu, loại IR50404 chỉ còn 4.200-4.300đ/kg, loại hạt dài 4.500-4.600đ/kg, thấp hơn 500đ/kg so với giá đầu tháng 5. Do tình hình gặp nhiều khó khăn nên VFA dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,9 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015. Sáu tháng cuối năm, dự báo Việt Nam sẽ có nhiều cơ may đẩy mạnh xuất khẩu gạo, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng gạo mà Trung Quốc phải nhập khẩu trong năm nay bằng năm 2015, tức khoảng 5 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam là lựa chọn số 1. VFA cũng dự kiến, năm 2016 Trung Quốc sẽ nhập khẩu 50% tổng sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam. Các thị trường tập trung dự báo nhập khẩu gạo năm 2016 như Philippnes giảm 200 nghìn tấn nhưng vẫn nhập 1,8 triệu tấn, Indonesia tuyên bố nguồn cung trong nước đủ cầu nhưng vẫn phải nhập 2 triệu tấn gạo… Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng, cho biết, quý III trở đi, xuất khẩu gạo có thể khởi sắc do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường quan trọng tăng. Liệu có quá lạc quan khi mà xuất khẩu gạo Việt Nam lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, và gạo Việt Nam lại chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch?
Nguồn: Trần Trọng Triết/doanhnghiepdautu.net