menu search
Đóng menu
Đóng

'Tảng băng chìm' khi cà phê tăng giá

06:09 12/01/2024

Giá cà phê tăng kéo theo những rủi ro trong kinh doanh.

Vụ thu hoạch cà phê đang bước dần vào giai đoạn cuối. Bên cạnh niềm vui của việc giá loại nông sản này tăng thì cũng có những nỗi buồn đối với những nhà thu mua, đại lý cà phê nhỏ...
Thời gian vụ thu hoạch cà phê ở các vùng trọng điểm tại Việt Nam thường bắt đầu từ giữa tháng 10 đến trung tuần tháng 1 năm sau. Nhưng nhìn vào giá cà phê suốt thời điểm thu hoạch có thể thấy, dù vào ngay thời điểm chính vụ, giá cà phê vẫn đạt mức cao nhất lịch sử là chuyện hiếm có.
Giá liên tục tăng cao
Cụ thể, ngay những ngày cuối năm 2023, giá cà phê đã quay trở lại ngưỡng kỷ lục là 70.000 đồng/kg dù người dân ở các vùng trồng đang tập trung thu hoạch. Trong khi theo quy luật thông thường, cứ vào vụ thu hoạch rộ, giá cà phê sẽ giảm bởi nguồn cung dồi dào. Nhưng năm nay, quy luật giá cà phê đã thay đổi. Điều này đưa giá cà phê trong cả năm 2023 tăng tới 70%.
Theo các chuyên gia, việc cà phê tăng giá mang lại lợi ích nhất định. Đầu tiên là người trồng phần nào được hưởng lợi từ giá cà phê tăng. Ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (Đắk Lắk) cho biết, với giá dao động 66.000 -68.000 đồng/kg, giá cà phê hiện đã cao hơn 1,5 lần so với cùng thời điểm năm 2022 nên người trồng rất vui. Trung bình lợi nhuận của người trồng cà phê đạt khoảng 120-130 triệu đồng/ha. Với những chủ vườn đầu tư bài bản, sản xuất theo quy trình khoa học có thể cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/ha.
Việc giá cà phê tăng cao từ nhiều tháng qua và hiện đạt mức 68.700 - 69.600 đồng/kg (ngày 9/1) được cho là mức giá cao nhất trong 20 năm qua. Mức giá cao như hiện nay được đánh giá không còn là nhất thời nữa mà đánh dấu một bước chuyển lớn của hình ảnh và thương hiệu cà phê Việt Nam trên thế giới. Đây cũng là động lực để nông dân giữ diện tích cà phê hiện tại, không chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng…
Một nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam cho rằng, cà phê Việt đang bước vào một thập kỷ sáng. Và giá loại nông sản này sẽ còn cao trong cả chục năm tới chứ không phải chỉ có mùa vụ năm nay. Kết quả này không chỉ đơn thuần phản ánh sản lượng, cung cầu mà còn bởi chất lượng cà phê Việt Nam hiện nay đã tăng cao, nhà nhập khẩu nước ngoài nhìn về cà phê Việt Nam với con mắt khác xưa nhiều.
Đối mặt với những 'con sóng ngầm'
Nhưng bên cạnh niềm vui của nông dân và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, thực chất ngành cà phê Việt Nam cũng đang đối mặt với những 'con sóng ngầm'. Tưởng chừng giá cà phê tăng là thời điểm thu trái ngọt của các đại lý, nhà thu mua, nhưng thực tế lại khác. Nhiều đại lý, nhà thu mua, nhất là những đại lý nhỏ trong thời điểm vụ thu hoạch cà phê diễn ra đã gặp rất nhiều khó khăn thậm chí phải phá sản.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex group, cho biết một đặc điểm trong ngành hàng cà phê là mua bán trước, sau đó mới giao hàng. Điều này không chỉ diễn ra tại các địa phương trồng cà phê trọng điểm mà còn diễn ra cả với sàn giao dịch kỳ hạn ở London.
Trong khi nhiều người có thể dựa vào quy luật giá cả mặt hàng này từ các năm trước khi cho rằng mọi năm, giá cà phê sẽ giảm, thậm chí sẽ giảm mạnh mỗi khi vào vụ thu hoạch. Và năm nay, giá cà phê cũng sẽ như vậy nên nhiều đại lý, doanh nghiệp nhỏ ở các địa phương đã thực hiện ký kết theo hình thức bán trước với giá cao. Sau đó, khi vào vụ thu hoạch, họ sẽ thực hiện mua với giá rẻ hơn với mong muốn thu được khoản chênh lệch lớn.
Nhưng việc giá cà phê tăng cao ngay cả khi vụ thu hoạch rộ, thậm chí vụ thu hoạch đang dần đi vào kết thúc khiến nhiều nhà thu mua, đại lý rơi vào cảnh thua lỗ.
Bởi ở các vùng trồng cà phê, thông thường người dân khi thu hoạch sẽ gửi cà phê vào kho của các đại lý. Khi nào nông dân cần tiền hoặc nhận định thấy có thể bán thì sẽ thông báo đại lý để thỏa thuận rồi lấy tiền.
Điều này cũng cho thấy, các đại lý, doanh nghiệp thu mua cà phê nhỏ ở các địa phương thường có nguồn vốn hạn chế nên họ thường lấy chính lượng cà phê của người dân gửi để làm vốn xoay vòng theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. Nếu đại lý bán được cà phê trước khi giá hạ, chắc chắn họ sẽ có lãi. Nhưng khi giá cà phê tăng và tăng liên tục như năm nay sẽ dẫn đến tình trạng các đại lý không đủ khả năng trả tiền cho nông dân đã gửi cà phê. Trong khi không ít đại lý có nguồn vốn mỏng, phải đi vay lãi về để thu mua cà phê. Còn giá cà phê thì không theo một quy luật nào.
Từ đây, làn sóng thua lỗ, phá sản của không ít các đại lý nhỏ, doanh nghiệp thu mua cung ứng cà phê ở các địa phương đã diễn ra. Điều này kéo theo sự khó khăn của không ít doanh nghiệp xuất khẩu vì không bảo đảm nguồn hàng để cung ứng ra thị trường, phục vụ xuất khẩu.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư giao dịch hàng hóa TVT (Gia Lai), Ngô Minh Vương, cho biết việc giá cà phê biến động mạnh và tăng cao đang mang lại lợi nhuận cho người sản xuất và người thu mua, kinh doanh. Nhưng đi liền với đó cũng là những rủi ro, cụ thể là dẫn tới tình trạng thua lỗ, không thể gồng nổi của các doanh nghiệp, đại lý thu mua.
Thực trạng này dù đã được cảnh báo từ trước nhưng vẫn xảy ra. Và hình thức 'bán lúa non' của nhiều đại lý còn dẫn tới tình trạng nông dân bị thiệt thòi vì khi đã bán theo hình thức này, người dân ít khi được nhận mức giá cao theo đúng giá thị trường.
Điều này cho thấy, cà phê là mặt hàng khắc nghiệt. Nhưng từ rủi ro này, ông Vương cho rằng nông dân cần nhìn vào thực tiễn của các đại lý, doanh nghiệp thu mua đã thua lỗ để rút ra bài học cho chính mình bằng việc thực hiện các hợp đồng ủy thác để giúp nông dân tránh được tình trạng bị ép giá khi vụ mùa rộ lên. Còn đại lý hạn chế được rủi ro khi mua hàng với nông dân.
Bài học này cũng cần được rút ra với cả mặt hàng hồ tiêu vì giá hồ tiêu hiện nay cũng lên nhanh. Và nhiều dự báo cho thấy, những nhà thu mua hồ tiêu cũng có khả năng sẽ rơi vào cùng một kịch bản mà ngành cà phê đã gặp phải nếu mải mê kinh doanh theo kiểu tạm trữ (bỏ tiền ra mua hàng dự trữ, chờ tăng giá bán kiếm lời).

Nguồn:Tùng Lâm/Vnbusiness

Link gốc