Hợp đồng dầu cọ giao tháng 9/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 17 ringgit, tương đương 0,44% lên 3.900 ringgit (840,52 USD)/tấn.
Các thương nhân đang chờ dự báo của ngành về cung và cầu dầu cọ tháng 6 của Malaysia, trước khi dữ liệu chính thức của Ủy ban Dầu cọ nước này (MPOB) vào ngày 10/7/2023.
Xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong tháng 6/2023 có thể thấp, với khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services ước tính xuất khẩu giảm 6,9% so với tháng 5/2023. Trong khi AmSpec Agri Malaysia cho biết xuất khẩu tăng 0,6%.
Theo ước tính trung bình từ các thương nhân, nhập khẩu dầu cọ trong tháng 6/2023 của Ấn Độ đã tăng 49% so với tháng trước đó, đạt 655.000 tấn lên mức cao nhất trong 3 tháng, do người mua tận dụng giá giảm xuống mức thấp nhất trong 28 tháng qua để mua vào.
Trong khi đó, nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 5 chỉ đạt 439.173 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 do giá dầu cọ cao hơn giá dầu đậu tương và dầu hướng dương trong vài tháng qua, khiến người mua chuyển sang các loại dầu giá rẻ.
Sandeep Bajoria, Giám đốc điều hành của Sunvin Group cho biết, việc nhà nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới tăng mua trở lại sẽ hỗ trợ giá và giúp các nhà sản xuất hàng đầu Indonesia và Malaysia cắt giảm hàng tồn kho.
Trong tháng 6/2023, nhập khẩu dầu đậu tương của Ấn Độ tăng 35% so với tháng trước đó đạt 432.000 tấn; nhập khẩu dầu hướng dương giảm 36% so với tháng trước đó xuống còn 190.000 tấn.
Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu dầu cọ từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong khi nhập khẩu dầu đậu tương và dầu hướng dương từ Argentina, Brazil, Nga và Ukraine.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương đã tăng 0,1%, còn giá dầu cọ giảm 0,4%. Sàn giao dịch Chicago đóng cửa nghỉ lễ. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters