menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 20/7/2022

12:33 20/07/2022

Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm 50 – 150 đồng/kg với mặt hàng gạo, 100 – 300 đồng/kg với mặt hàng cám.
 
Giá lúa gạo hôm nay 20/7: Giá gạo giảm 50 – 150 đồng/kg
Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm 50 – 150 đồng/kg với mặt hàng gạo, 100 – 300 đồng/kg với mặt hàng cám.
Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm với mặt hàng gạo, trong khi lúa duy trì ổn định.
Tại An Giang, lúa tươi Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua với mức 5.900 – 6.100 đồng/kg; lúa OM 5451 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa Nàng hoa 9 ở mức 6.100 – 6.200 đồng/kg; lúa tươi OM 18 6.000 – 6.100 đồng/kg; IR 504 5.500 – 5.700 đồng/kg; lúa IR 504 khô 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.100 – 6.300 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm quay đầu giảm. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.250 – 8.350 đồng/kg, giảm 50 – 150 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.700 – 8.750 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.350 – 8.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; cám khô 8.700 – 8.800 đồng/kg, giảm 200 – 300 đồng/kg.
Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về nhiều hơn, các kho vẫn mua chậm, chờ giá giảm. Thị trường lúa Hè thu bình ổn, giao dịch lúa mới chậm do ảnh hưởng của thời tiết. Nhu cầu hỏi mua tấm cám nhiều.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định. Cụ thể, hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 418 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 403 USD/tấn; gạo 100% tấm duy trì ở mức 383 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện tình hình xuất khẩu chậm do khách mua chờ thu hoạch rộ trả giá giảm... Xu hướng chung là các mặt hàng gạo thơm, gạo chất lượng cao đều giảm giá khoảng 10 USD/tấn. Đây là diễn biến bất ngờ của thị trường lúa gạo so với xu thế tăng giá lương thực thế giới.
Hai thị trường chính là Philippines chiếm 45% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chờ chính phủ mới cấp quota. Trong khi thị trường Trung Quốc, chiếm 25% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam, trầm lắng (trong đó nếp và tấm dưới 50% tổng lượng mua). Các thị trường còn lại duy trì ở mức khá nhưng sản lượng ít không đủ bù đắp hai thị trường truyền thống.
Giá phân ure dự đoán khó có thể giảm hơn nữa
Ngày 18/7, giá phân ure tại Trung Quốc là 395 USD/tấn, tăng nhẹ 1,2% so với cuối tuần trước. Giá phân ure trong nước hiện giữ ở mức ổn định hơn 1 tháng qua.
Với mức giá 395 USD/tấn, giá phân ure đã đảo chiều so với diễn biến từ ngày 10/6. Tuy nhiên, giá này hiện vẫn thấp hơn ngày 10/7 khoảng 4%.
Theo Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA), công suất thiết kế của nhà máy đạm ure trên thế giới đã là 216 triệu tấn, và công suất hoạt động trung bình ở mức 80%. Nếu so với năm 2021, công suất đạt 78,6%, nên nguồn cung hiện giờ đã không còn thiếu hụt như trước.
Các chuyên gia cho biết, nhu cầu phân bón toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi trong khoảng 1,2% đến 1,9% vào năm 2023. Điều này chủ yếu là do sản lượng nông nghiệp tăng trở lại sau đại dịch. Ngoài ra, do tình trạng thiếu lương thực do xung đột Nga-Ukraine gây ra, nhiều nước đang tăng diện tích cung cấp lương thực thay vì nhập khẩu như trước đây. Chính vì thế, trước diễn biến giảm giá của phân bón ure trong nước và thế giới hiện nay trong hơn 1 tháng trở lại đây, dự đoán khó có thể giảm hơn nữa.
Ghi nhận ngày 18/7 tại thị trường Đông Nam Bộ, giá ure Cà Mau khoảng 800.000đ-810.000đ/bao, ure Phú Mỹ 790.000đ – 800.000đ/bao. Tại khu vực miền Bắc, ure Hà Bắc 780.000đ – 800.000đ/bao, ure Phú Mỹ 785.000đ - 805.000đ/bao.
Trong khi đó, giá photpho vàng, nguyên liệu trong sản xuất phân bón nhập khẩu giảm 0,5% so với cuối tuần trước và giao dịch ở 33.500 nhân dân tệ/tấn (4.964 USD/tấn).
Trái ngược lại với giá ure, thị trường vẫn ghi nhận giá phân DAP tăng liên tục từ tháng 4 đến nay. Giá phân bón DAP ghi nhận ở mức cao, hiện giao dịch ở 4.700 nhân dân tệ/tấn (694 USD/tấn). Giá DAP đã liên tục tăng từ giữa tháng 4 và hiện cao hơn giữa tháng 4 khoảng 30%. Hiện mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cả ở thị trường thế giới và trong nước.
Tương tự như DAP, giá kali cũng liên tục tăng cao và lập đỉnh trong thời gian gần đây. Hiện trong nước phải nhập khấu hoàn toàn kali.
Giá lưu huỳnh là 1.766 nhân dân tệ/tấn (261 USD/tấn), giảm 0,5% so với cuối tuần trước.
Theo ghi nhận tại một số thị trường ngày 18/7, giá phân bón DAP Hồng Hà (Trung Quốc) tại An Giang tăng 25.000 đồng/bao 50 kg lên 1,375 triệu đồng/bao. Kali bột Phú Mỹ tại Gia Lai tăng 30.000 đồng/bao lên 940.000 đồng/bao. Kali hạt Rồng Đỏ tại Quảng Bình tăng 20.000 đồng/bao lên 910.000 đồng/bao. Kali bột Phú Mỹ tại Hà Nội là 865.000 đồng/bao, nhích lên 10.000 đồng/bao so với ngày trước đó.
Hiện khí tự nhiên là nguyên liệu chính được tất cả các nhà sản xuất phân bón lớn, dùng để tạo ra thành phần amoniac cho khoảng 80% số lượng phân bón được sản xuất trên toàn cầu. Trước khi cuộc xung đột bùng nổ, Nga, Ukraine và Belarus là những quốc gia xuất khẩu lớn về phân bón dựa trên nitơ, nhưng tác động kết hợp của cuộc xung đột và giá khí đốt tăng cao đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ba nước này.
Giá chuối xiêm, gừng củ ở Kiên Giang giảm sâu
Khoảng 3 tháng gần đây, giá chuối xiêm và củ gừng trên địa bàn huyện U Minh Thượng, Kiên Giang rớt thê thảm.
Ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng cho biết, hiện huyện có khoảng 2.600 ha diện tích trồng chuối xiêm và khoảng 1.000 diện tích trồng gừng, chủ yếu nằm trong hai xã vùng đệm An Minh Bắc, Minh Thuận.
Theo ông Phạm Duy Tân, sở dĩ giá chuối xiêm và củ gừng giảm sâu do trước đây thương lái thu mua chủ yếu xuất qua Campuchia, nhưng hiện Campuchia cũng trồng chuối xiêm với số lượng lớn nên không còn xuất chuối xiêm được nhiều. Nên giờ chủ yếu bán nhỏ lẻ nên giá còn 2.000 đồng/nải thay vì trước đây từ 5.000 - 6.000 đồng/nải.
Gừng củ có lúc lên đến 25.000 đồng/kg, nhưng giờ chỉ còn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, do thị trường tiêu thụ không có nhiều vì không phải chính vụ như vụ Tết. Vụ Tết nhiều người mua về làm bánh mứt giá mới được lên cao, nhưng những năm trước vào thời điểm này giá cũng trên 10.000 đồng/kg chứ không giảm sâu như hiện tại.
Trước đây, giá chuối xiêm bình quân từ 5.000 - 6.000 đồng/nải. Thời điểm giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, giá chuối cũng từ 4.000 - 5.000 đồng/nải. Trong 3 tháng nay, giá chuối chỉ còn 2.000 đồng/nải. Với giá này, nông dân trồng chuối chỉ bán nải khó có lãi vì tiền phân bón tăng cao.
Để tiết kiệm chi phí, nông dân trồng chuối trên địa bàn huyện U Minh Thượng hạn chế bón phân, để cây chuối phát triển tự nhiên. Ngoài bán nải chuối, nông dân còn bán bắp chuối. Hiện giá bắp chuối ổn định 7.000 đồng/kg. Bình quân 1 ha bán được 320 kg bắp chuối/tháng, thu về hơn 2,2 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, nông dân vẫn duy trì trồng cây chuối xiêm vì ít chi phí chăm sóc. Bên cạnh đó, hiện giá các nông sản khác như gừng, trái cây, dứa cũng lên xuống không ổn định nên nông dân chưa phá chuối chuyển sang trồng cây khác.
 
 

Nguồn:VITIC/Baocongthuong/TTXVN