Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 9/2021 đạt 6.359 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 25,73 triệu USD, đưa xuất khẩu hạt tiêu 8,5 tháng đầu năm 2021 lên đạt 204.005 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 683,05 triệu USD, giảm 2,91% về lượng nhưng lại tăng 35,34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 4.046 USD/tấn, tăng 7,32% so với giá xuất khẩu bình quân tháng 8/2021.
Vinanet phân tích số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2021, hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất, với 38.877 tấn, tương đương 138,53 triệu USD. Giá trung bình là 3.563,4 USD/tấn, tăng 15,3% về lượng, tăng 65,2% về kim ngạch và tăng 43,3% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 21,6% trong tổng lượng và chiếm 23,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước.
Đứng thứ 2 là thị trường EU đạt 20.170 tấn, tương đương 78,08 triệu USD, giá trung bình 3.871 USD/tấn, tăng 5% về lượng, tăng 52,3% về kim ngạch và tăng 45% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 11,2% trong tổng lượng và chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch.
Theo dự báo của ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu xuất khẩu còn tốt đến cuối năm, bởi nhu cầu tăng nhưng nguồn cung không kịp thời. Tuy nhiên, kỳ vọng sẽ tăng như thời gian trước là rất khó.
Các chuyên gia cho biết, thế giới đang vào "cơn sốt" năng lượng mới. Giá khí đốt và dầu thô tăng cao, cộng với chi phí vận tải sẽ đẩy giá nguyên liệu đầu vào, giá thành sản xuất các mặt hàng tăng theo, trong đó có hạt tiêu.
Pháp là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng đối với các nhà xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu. Ngoài tiêu dùng nội địa, Pháp nhập khẩu hạt tiêu để tái xuất sang các nước châu Âu.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 23/9/2021 đến ngày 29/9/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 313,42 VND/INR, theo nguồn Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.