Giá trung bình gạo ngon tại Indonesia hôm 23/2/2024 là 18.000 rupiah (1,15 USD)/kg, vượt qua giá trần của Chính phủ và cao hơn 20% so với mức 14.000 rupiah cùng kỳ năm ngoái.
Reynaldi Sarijowan, Tổng thư ký Hiệp hội các Thương nhân Thị trường truyền thống Indonesia (Indonesian Traditional Market Traders Association (Ikappi) cho biết nguyên nhân giá tăng mạnh là do vụ thu hoạch bị trì hoãn và nguồn cung suy giảm, với lượng gạo trong kho của các cơ sở xay xát hiện không còn nhiều, nhất là gạo chất lượng cao. Bên cạnh đó, sản lượng năm ngoái bị hạn chế cũng gây mất cân đối cung cầu. Ikappi đang thúc giục các nhà máy địa phương giải phóng lượng gạo dự trữ, đặc biệt là gạo chất lượng cao, bởi càng trì hoãn lâu thì giá sẽ càng tăng cao.
Ông Reynaldi nói rằng để đáp ứng nhu cầu cao trước tháng ăn chay (Ramadan) vào tháng 3, kho hàng của chính phủ, kho hàng của các công ty địa phương và các cơ sở xay xát nên nhanh chóng giải phóng nguồn cung cho các thị trường truyền thống. Theo ông, Lực lượng đặc nhiệm lương thực của Trụ sở Cảnh sát Quốc gia Indonesia cần giám sát lượng hàng tồn kho này để đảm bảo gạo được giải phóng kịp thời từ các kho dự trữ và không bị trì hoãn quá lâu.
Ông Reynaldi nói thêm rằng: “Bulog (Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia) cũng cần đảm bảo phân phối suôn sẻ gạo chất lượng trung bình tới các thị trường bán lẻ và truyền thống”. Đồng thời, “Sản lượng năm nay cần phải tăng lên. Ngoài ra, nên mở rộng phân bổ trợ cấp và ngân sách trợ cấp phân bón trên quy mô rộng hơn để thúc đẩy sản xuất”, ông Reynaldi Sarijowan hôm thứ Sáu kêu gọi.
Chính phủ Indonesia đang tăng cường dự trữ gạo quốc gia (CBP) để ngăn chặn lạm phát do giá gạo leo thang. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đang thực hiện chương trình bình ổn nguồn cung và giá cả (SPHP), nhằm cung ứng đủ gạo cho thị trường với giá cả hợp lý. Ngoài ra, hỗ trợ tiếp tục phân phối gạo hỗ trợ những người dân có thu nhập thấp.
Nguồn:VITIC/Vinanet (Theo jakartaglobe)