menu search
Đóng menu
Đóng

Tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng 1-2%/năm đến năm 2030

07:02 14/12/2022

Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) ước tính thế giới sẽ cần thêm khoảng 25 triệu bao cà phê 60kg trong 8 năm tới. Ảnh: Reuters

Tiêu thụ cà phê toàn cầu có khả năng tăng từ 1-2% mỗi năm cho đến cuối thập niên này, tương đương 25 triệu bao 60kg trong tám năm tới, theo Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) Vanusia Nogueira.
Dự báo của bà Vanusia Nogueira được đưa ra tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức tại Hà Nội hôm 11-12.
“Hiện tại, chúng tôi thận trọng hơn đối với một dự báo ngắn hạn”, bà Nogueira nói khi đề cập đến tất cả các sự kiện mà thế giới đang phải đối mặt, bao gồm cả lạm phát cao ở châu Âu.
Theo bà, mức dự báo trước đây của ICO cho rằng, tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng trung bình 3,3% mỗi năm trong 4 đến 5 năm tới là quá “lạc quan”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg, Nogueira nhận định ngành cà phê toàn cầu sẽ đạt được sự cân bằng về cung và cầu trong 2-3 năm tới để thoát khỏi tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện tại.
Bà cho biết, thế giới cần nhiều cà phê arabica và robusta hơn nhưng triển vọng tăng sản lượng và nhu cầu cà phê robusta sẽ cao hơn. Các nhà sản xuất cà phê arabica truyền thống đang cố gắng chuyển sang trồng cà phê robusta khi trái đất nóng lên. Trong khi đó, các nhà rang xay cũng cố gắng thêm cà phê robusta có giá rẻ hơn vào công thức pha trộn cà phê.
“Nếu bạn sử dụng cà phê robusta với chất lượng cao hơn, người tiêu dùng sẽ không cảm thấy sự khác biệt lớn trong sản phẩm pha trộn”, Nogueira nói.
Theo bà, nhiều thị trường đang tìm kiếm cà phê robusta hảo hạng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nghiên cứu và mở rộng sang sản xuất cà phê robusta chất lượng cao với thành quả “khá tốt”.
Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê quốc tế cho biết, đã ngạc nhiên khi nếm ba tách cà phê khác nhau “rất ngon” trong một ngày trước đó với một nhóm khách quốc tế đến thăm một quán cà phê thuộc sở hữu của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai Việt Nam.
Tổ chức Cà phê quốc tế không cho rằng, vị thế thống trị toàn cầu về xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Brazil tăng sản lượng cà phê robusta. Lý do là sản lượng robusta tăng thêm của Brazil là để cung cấp cho ngành công nghiệp cà phê hòa tan của quốc gia Nam Mỹ này. Người đứng đầu tổ chức này khuyên các nước trồng cà phê cần thúc đẩy tiêu thụ trong nước để có giá tốt hơn và mang lại lợi ích cho nền kinh tế.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, sản lượng robusta của Brazil sẽ tăng 5% trong năm 2022, lên mức cao nhất trong lịch sử. Hồi tháng 7, Bloomberg dẫn lời Fernando Maximiliano, nhà phân tích tại Công ty StoneX Financial ở Sao Paulo, Brazil, cho biết Brazil có nhiều dư địa để tăng sản lượng robusta bằng cách chuyển đổi các đồng cỏ thành các trang trại cà phê robusta.
Cà phê robusta được sử dụng rộng rãi để sản xuất cà phê hòa tan cho các nhãn hiệu cà phê uống liền như Nescafe của Nestle hoặc sử dụng để pha thêm vào cà phê espresso. Cà phê robusta từng được xem là sự thay thế kém chất lượng hơn cho các loại cà phê arabica cao cấp hơn, vốn được ưa chuộng bởi các chuỗi cửa hàng cà phê như Starbucks.
Tuy nhiên, robusta ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt nhờ dễ trồng, dễ pha chế và có thể giúp cải thiện hương vị. Người tiêu dùng trên toàn cầu vẫn uống nhiều đồ uống làm từ arabica hơn. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, ngày càng có nhiều người mua cà phê robusta giá mềm hơn và bắt đầu có cái nhìn khác dù loại cà phê này có vị đắng gắt hơn.
Cũng tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, cho biết, tiêu thụ cà phê trong nước tăng 5-10% trong những năm tới, từ mức 300.000 tấn hiện tại, bao gồm 170.000 tấn được sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan.
Ông Nam, hiện là Chủ tịch Intimex Group, nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam, dự báo xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ giảm trong niên vụ kinh doanh 2022-2023 do sản lượng thấp hơn và lượng hàng tồn kho từ niên vụ trước chuyển sang không đáng kể.

Nguồn:Khánh Lan/Kinh tế Sài Gòn Online/Theo Bloomberg

Link gốc