menu search
Đóng menu
Đóng

Tồn kho dầu cọ của Malaysia được dự kiến đạt mức cao nhất 8 tháng

15:59 24/10/2024

Khảo sát của Reuters đầu tháng 10/2024 cho thấy, tồn kho dầu cọ của Malaysia dự kiến đạt mức cao nhất 8 tháng vào cuối tháng 9/2024 ở 1,95 triệu tấn, tăng 3,55% so với cuối tháng 8/2024, do xuất khẩu sụt giảm.
Malaysia là quốc gia sản xuất dầu thực vật lớn thứ hai thế giới. Sản lượng dầu cọ thô (CPO) của nước này trong tháng 9/2024 được dự báo đạt 1,86 triệu tấn, giảm 1,5% so với tháng trước. Sản xuất bị trì trệ do điều kiện thời tiết khô hạn. Mặc dù vậy, nước này đang trên đà vượt mốc 19 triệu tấn sản lượng trong năm nay, đánh dấu sản lượng cao nhất kể từ năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Malaysia đã sản xuất được 12,6 triệu tấn dầu cọ, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do các chính sách của chính phủ giải quyết được các khó khăn như tình trạng thiếu hụt lao động.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong tháng 9/2024 được ước tính giảm 1,65% xuống còn 1,5 triệu tấn, mức giảm hàng tháng thứ hai liên tiếp.
Hồi tháng 8/2024, giá cả cạnh tranh từ Indonesia cùng nhu cầu yếu từ Ấn Độ đã khiến xuất khẩu dầu cọ của Malaysia gặp khó khăn. Sang giữa tháng 9/2024, nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới - Ấn Độ, đã tăng thuế nhập khẩu cơ bản đối với dầu thô và dầu ăn tinh luyện bao gồm dầu cọ thêm 20% nhằm hỗ trợ cho người nông dân đang gặp khó khăn khi giá hạt có dầu thấp. Chính sách này không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cạnh tranh của dầu cọ Malaysia trên thị trường Ấn Độ. Do đó, Malaysia vẫn kỳ vọng nhu cầu dầu cọ từ Ấn Độ sẽ vẫn ổn định bất chấp việc tăng thuế nhập khẩu gần đây của nước mua dầu thực vật hàng đầu này.
Cơ cấu thuế của Ấn Độ bao gồm việc tăng thuế hải quan cơ bản đối với dầu cọ thô, dầu đậu tương và dầu hướng dương từ 0% lên 20%, trong khi các sản phẩm tinh chế tăng từ 12,5% lên 32,5%.
Tồn kho dầu cọ chính thức trong tháng 8/2024 đạt 1.883.214 tấn cộng với sản lượng và nhập khẩu ước tính ở trên đưa nguồn cung dầu cọ tháng 9/2024 đạt 3.758.665 tấn. Dựa trên ước tính lượng xuất khẩu trung bình và tồn kho, lượng tiêu thụ trong nước của Malaysia trong tháng 9/2024 ước đạt 308.665 tấn.
Theo dữ liệu của MPOB, Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu dầu cọ lớn nhất của Malaysia với 2,84 triệu tấn trong năm 2023, chiếm 18,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kế đến là Trung Quốc với 1,47 triệu tấn (chiếm 9,7%), Liên minh châu Âu (EU) với 1,07 triệu tấn (chiếm 7,1%) và Kenya với 0,92 triệu tấn (chiếm 6,1%).
Trong báo cáo của The Malaysian Reserve, ngành dầu cọ tại Malaysia sẽ tập trung vào các thách thức bao gồm cây cọ dầu già cỗi và năng suất trì trệ, trong khi tăng cường cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững toàn cầu. Chính phủ đã ưu tiên các nỗ lực tái canh như một chiến lược quan trọng để thúc đẩy năng suất mà không mở rộng việc sử dụng đất trồng. Năm 2023, Malaysia đã đạt được tiến bộ đáng kể khi tái canh 132.000 ha, chiếm 2,3% tổng diện tích trồng, tăng so với 97.130 ha (1,7%) của năm trước đó.
Malaysia đang chuẩn bị đáp ứng các mục tiêu môi trường toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến Quy định về phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR). Ủy ban Châu Âu đã đề xuất hoãn việc thực thi EUDR từ ngày ban đầu là 30/12/2024 sang ngày 30/12/2025 để các nước sản xuất có thêm thời gian tuân thủ.
Malaysia, quốc gia đã cam kết thực hiện một số mục tiêu phát triển bền vững quốc tế, bao gồm đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 45% cường độ carbon vào năm 2030, coi sự chậm trễ này là cơ hội để điều chỉnh các chính sách của mình phù hợp hơn với các tiêu chuẩn toàn cầu.
Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOC) cho biết, hướng đến quý cuối cùng của năm 2024, các yếu tố chính ảnh hưởng đến cung và cầu dầu cọ bao gồm: mức tồn kho dầu cọ của Ấn Độ, chính sách nhiên liệu sinh học B40 của Indonesia và xu hướng sản xuất cũng như tiêu thụ toàn cầu đối với bốn loại dầu thực vật chính vào năm 2025.
Giá dầu cọ kỳ hạn tại Malaysia ngày 24/10/2024 tăng phiên thứ tư liên tiếp. Hợp đồng dầu cọ FCPOc3 giao tháng 1/2025 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch ngày 24/10 chốt ở 4.506 ringgit/tấn.
Trên sàn giao dịch Đại Liên, giá dầu đậu tương DBYcv1 tăng 0,31%, còn giá dầu cọ DCPcv1 tăng 0,63%. Trên sàn thương mại Chicago, giá dầu đậu tương Bocv1 tăng 0,39%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Bảng chi tiết giá dầu đậu tương các kỳ hạn trên sàn CBOT ngày 24/10

(Đvt: US cent/lb)

Kỳ hạn

Giá mở cửa

Giá cao

Giá thấp

Giá mới nhất

Giá ngày hôm trước

Tháng 12/24

43,40

44,09

43,38

44,03

43,39

Tháng 1/25

43,33

43,99

43,30

43,94

43,31

Tháng 3/25

43,39

44,05

43,38

44,00

43,38

Tháng 5/25

43,52

44,16

43,51

44,13

43,52

Tháng 7/25

43,60

44,22

43,59

44,21

43,61

Tháng 8/25

43,39

43,99

43,35

43,96

43,41

Tháng 9/25

43,14

43,67

43,14

43,67

43,16

Tháng 10/25

42,88

42,96

42,88

42,96

42,82

Tháng 12/25

42,99

43,03

42,82

43,03

42,76

Tháng 1/26

42,68

42,93

42,63

42,73

42,81

Tháng 3/26

42,70

42,90

42,64

42,70

42,79

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters, Ukragroconsult, Tradingcharts