menu search
Đóng menu
Đóng

TT lúa gạo châu Á: giá giảm

06:00 29/06/2018

Vinanet - Giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á đồng loạt giảm do nhu cầu chậm và nội tệ giảm giá so với USD.
Giá xuất khẩu gạo tại nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm do đồng Rupee sụt giảm, nhu cầu vẫn giảm. Giá gạo 5% tấm giảm 2 USD xuống còn 392- 396 USD/ tấn, mức thấp nhất trong hơn một năm do đồng Rupee giảm xuống mức thấp kỷ lục, cho phép các nhà giao dịch cắt giảm giá.
Đồng Rupee Ấn Độ đã giảm khoảng 8% trong năm 2018, làm tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ sang Bangladesh giảm mạnh sau khi Bangladesh áp thuế 28% đối với gạo nhập khẩu để hỗ trợ nông dân sau khi sản xuất trong nước tăng cao.
Giá gạo Thái Lan cũng giảm do dự kiến nguồn cung mới dồi dào và đồng nội tệ yếu. Giá xuất khẩu gạo 5% tấm giảm xuống 385- 395 USD/tấn, FOB Bangkok, mức chưa từng thấy kể từ tháng 11/2017, so với mức 390- 400 USD vào tuần trước. Đồng Baht mất giá đã khiến giá xuất khẩu giảm.
Sự mất giá của đồng Baht Thái dẫn đến giá xuất khẩu tính theo USD giảm, trong khi việc vận chuyển bị chậm do mùa mưa, các thương nhân ở Bangkok cho biết. Đồng Baht đã giảm khoảng 3,4% trong tháng này, sau khi đạt mức thấp nhất trong hơn 7 tháng hôm 28/06.
Giá xuất khẩu dự kiến sẽ giảm tiếp tục khi vụ mùa mới bắt đầu vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 kéo dài tới tháng 8.
Trong khi đó, tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm vẫn không thay đổi trong tuần thứ hai liên tiếp ở mức 450- 455 USD / tấn. Giá dự kiến giảm trong những tuần tới vì vụ thu hoạch hè thu dự kiến sẽ bắt đầu từ giữa tháng 7.
Theo một báo cáo của Bộ Tài chính, chi phí sản xuất lúa cho vụ hè thu năm nay là 4.059 đồng/kg, tăng 4% so với năm trước.
Một số thông tin liên quan
Bất chấp lệnh cấm, gạo nhập khẩu vẫn tràn ngập thị trường Nigeria
Mặc dù Chính phủ Liên bang ra lệnh cấm nhập khẩu gạo thông qua những người dân địa phương hai năm trước đây, lượng lớn gạo nhập khẩu vẫn tràn ngập thị trường Nigeria.Điều này khiến nhiều thương hiệu sản xuất trong nước phải chật vật chỉ để tồn tại và rất ít người có mặt tại nhiều thị trường.
Tại chợ Garki Ultra Modern, người ta có thể tìm thấy không dưới tám nhãn hiệu gạo ngoại nhập khác nhau.
Những thương hiệu này gồm Pearl, Falcon, Royal Stallion, Tomato Aroso, Thai Caprice và Moto. Ngoài ra còn có Tripple Seven, Oriba.
Mặc dù có nhiều thương hiệu gạo địa phương như Umza từ Kano, Miva từ Benue và Olam’s Mama Pride/Gold từ Nasarawa, chỉ gạo Olam ghi nhận sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường Garki, nơi nó có thể được bán ở hầu hết các cửa hàng; trong khi Umza và Mavi hiếm khi nhìn thấy được.
Thông thường, chênh lệch về giá giữa thương hiệu nội địa và nhập khẩu là không quá 50 naira. Tuy nhiên, người tiêu thụ đang bị tác động bởi sự khác biệt nhỏ này để chọn gạo nhập khẩu, sản phẩm được cho là bóng hơn mà không để ý tới chất lượng dinh dưỡng.
Ví dụ, một bao 50kg của thương hiệu Tomato Aroso có giá 14.550 naira trong khi cùng một bao Olam’s Mama Pride được cung cấp cho phóng viên với mức giá mới nhất là 14.500 naira.
Tại chợ Wuse và Utako, nơi phóng viên đã ghé thăm không dưới 8 cửa hàng, gạo địa phương có rất ít xuất hiện vì gạo nước ngoài đã chiếm ưu thế.
Một người bán hàng tên Patrick Daniel cho biết, sự bùng nổ trên thị trường gạo nước ngoài bị ảnh hưởng bởi sở thích của người mua đối với sản phẩm nhập khẩu. Ông nói thêm cần phải thay đổi thực tế này.
Theo ông Abdullahi Idris Zuru, Tổng giám đốc công ty Labana Rice Mill ở Birni Kebbi, bang Kebbi, nhiều nhà chế biến địa phương không thể bán gạo của họ.
Ông lập luận rằng gạo đang được nhập khẩu nhiều chưa từng thấy, lấy đi việc làm và sự giàu có của đất nước.
“Giống như năm nay, tôi nói với bạn, bạn có thể kiểm tra tất cả, không quá 50% người nông dân, đã canh tác mùa khô, tiếp tục gieo cấy. Hiện tại, là một nhà chế biến, bạn mua gạo, chế biến nó nhưng lại không thể bán. Vậy làm thế bạn có thể quay trở lại thị trường và mua lúa gạo. Ngay cả khi các nhà chế biến sẽ mua, họ sẽ phải làm sao với giá gạo thấp hơn", ông nói.
Ngoài ra, ông Alhaji Aminu Goronyo, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân trồng lúa Nigeria (RIFAN) cho biết, gạo nhập khẩu đang lấy đi rất nhiều tiền từ nền kinh tế và khiến người nông dân khó kiếm tiền trong nước.
Dữ liệu thống kê có sẵn từ hiệp hội của người nông dân trồng lúa cho thấy, sản lượng gạo hàng năm ở Nigeria tăng từ 5,5 triệu tấn năm 2015 lên 5,8 triệu tấn trong năm 2017.
Ông Goronyo trả lời phỏng vấn của Cơ quan Thông tấn Nigeria vào cuối năm ngoái rằng mức tiêu thụ vào lúc đó là 7,9 triệu tấn trong khi tốc độ sản xuất là 5,8 triệu tấn/năm, thiếu khoảng một triệu tấn.
Giá gạo tại Philippines vẫn ở mức cao dù hàng nhập khẩu đã được phân phối
Giá gạo tại Philippines vẫn cao mặc dù Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) của quốc gia này đang tiến hành phân phối gạo nhập khẩu ở mức giá thấp hơn.
Tính đến tuần thứ ba của tháng 6, Cơ quan Thống kê Philippine (PSA) cho biết, giá gạo thường và chất lượng cao lần lượt đạt 40,57 peso và 44,21 peso/kg.
So với năm trước, mức giá gạo trên đã tăng lần lượt 7,67% và 5,77%.
Theo PSA, đây là tuần thứ 24 liên tiếp giá gạo tăng.
Người phát ngôn của NFA, ông Rex Estoperez trước đó đã đảm bảo với người tiêu dùng rằng sự có mặt của gạo NFA trên thị trường sẽ làm khiến giá gạo giảm 1 - 2 peso/kg.
Trong một tuyên bố được ban hành tuần trước, NFA cho biết đã làm việc gấp đôi thời gian để cung cấp ngay gạo chất lượng tốt ở mức giá 27 peso và 32 peso/kg cho các thị trường trên cả nước.
Trong bản cập nhật mới nhất NFA nói 172,00 tấn gạo, tương đương 69% của 250.000 tấn gạo nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan, đã cập bến. Trong đó, 75% đã được chuyển đi hoặc đang bốc dỡ tại các cảng.
Tuy nhiên, việc phân phối lượng hàng nhấp khẩu bị trì hoãn vì tình hình thời tiết xấu và tắc nghẽn tại các cảng.
Ngoài việc nguồn cung gạo bị thắt chặt, giá dầu tăng cũng góp phần làm tăng giá gạo.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy, giá gạo palay đã tăng từ 19,28 peso/kg cách đây một năm lên 21,36 peso/kg
Giá trung bình tại cửa nông trại đối với gạo palay vượt qua mức 21 peso/kg trong tuần thứ ba của tháng 5.
Xuất khẩu gạo Myanmar 2 tháng qua đạt hơn 180 triệu USD
Liên đoàn Gạo Myanmar (MRF) cho biết, quốc gia này đã kiếm được hơn 180 triệu USD nhờ xuất khẩu hơn 500.000 tấn gạo trong vòng 2 tháng qua.
Cụ thể, từ ngày 1/4 đến 8/6, Myanmar đã xuất khẩu 528.400 tấn gạo, thu về 181,12 triệu USD. Trong tổng số gạo xuất khẩu, 278.000 tấn trị giá gần 100 triệu USD được xuất khẩu thông qua biên giới và 249.800 tấn trị giá khoảng 82 triệu USD thông qua đường biển.
Ông Lu Maw Myint Maung, Tổng thư ký MRF, cho biết xuất khẩu gạo qua đường biên giới giảm trong tháng 4 và tháng 5 vì Trung Quốc hạ giá hỗ trợ tối thiểu (MSP).
Myanmar xuất khẩu gạo sang hơn 50 quốc gia trong vòng 2 tháng. Trong năm ngoái, xuất khẩu gạo qua đường biên giới chiếm tới 70%, và qua đường biển là 30%."Thương mại đường biển vẫn bình thương. Trong tháng 4 và tháng 5, xuất khẩu gạo qua đường biên giới giảm vì Trung Quốc hạ MSP. Họ cũng cho biết đang sử dụng gạo dự trữ", ông Maung nói.
Nhờ mở rộng thị trường quốc tế trong năm tài chính 2017 - 2018, xuất khẩu gạo qua đường biển đã lên tới 48%. Trong cùng thời kỳ, 3,6 triệu tấn gạo đã được xuất khẩu, ghi nhận mức kỷ lục trong vòng 50 năm,
Theo MRF, mục tiêu xuất khẩu gạo được dự báo đạt 4 triệu tấn trong năm tài chính 2020 - 2021, với giá trị xuất khẩu lên tới 1,5 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo của Pakistan đạt gần 2 tỷ USD trong 11 tháng qua
Xuất khẩu gạo của Pakistan trong 11 tháng qua tăng 29,15% so với cùng kỳ năm trước đó, với khoảng 3,842 triệu tấn gạo được xuất khẩu, trị giá tới 1,889 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê Pakistan, cùng thời kỳ năm ngoái, quốc gia này xuất khẩu khoảng 3,889 triệu tấn gạo, tương đương giá trị 1,463 tỷ USD.
Trong giai đoạn tháng 7 - tháng 5 của năm tài chính 2017 - 2018, 461.472 tấn gạo basmati, trị giá 478,853 triệu USD đã được xuất khẩu so với mức 406.824 tấn và 385,746 triệu USD cùng kỳ năm trước đó.
Báo cao cho biết thêm, trong 11 tháng của năm tài chính 2017 - 2018, xuất khẩu gạo basmati đã tăng 24,14% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Pakistan đã thu về 1,411 tỷ USD nhờ xuất khẩu khoảng 3,380 triệu tấn gạo khác ngoài gạo basmati trong cùng giai đoạn.
Nhóm thực phẩm xuất khẩu trong 11 tháng của năm tìa chính hiện tại ghi nhận tăng 30,8% với những sản phẩm hàng hóa thực phẩm khác nhau gồm gạo, cá, sản phẩm cá, thịt, thịt chế biến, trái cây, rau xanh ... đạt giá trị xuất khẩu là 4,449 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu hàng hóa thực phẩm ghi nhận ở mức 3,425 tỷ USD.
Mặt khác, xuất khẩu gạo theo tháng cũng tăng mạnh trong tháng 5 khi tăng 79,62% lên 376.863 tấn gạo, trị giá 209,898 triệu USD.
Theo đó, xuất khẩu gạo basmati trong tháng 5 tăng 32,83% so với năm 2017 lên khoảng 54.061 tấn, trị giá 53.384 triệu USD.
Xuất khẩu các loại gạo khác ngoài basmati tăng tới 104,16% trong cùng thời điểm lên khoảng 322.802 tấn và trị giá tới 156,514 triệu USD.
 

Nguồn:Vinanet