menu search
Đóng menu
Đóng

TT lúa gạo châu Á: Giá tăng tại Ấn Độ và Thái Lan, giảm tại Việt Nam

08:00 04/08/2018

Vinanet - Giá gạo tại Ấn Độ tăng trong tuần này do lo ngại sản lượng giảm bởi thiếu nước, trong khi các thương gia tại Thái Lan và Việt Nam đang theo dõi sát khả năng ngập lụt tại những khu vực trồng lúa chính.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá tăng nhẹ 3 USD/tấn lên 392-296 USD/tấn nhờ nhu cầu mạnh lên, sau khi tháng trước giảm xuống mức thấp nhất kể từ 20/4/2017.
“Tại nhiều khu vực trồng lúa, lượng mưa thấp hơn so với bình thường. Điều này có thể ảnh hưởng đến sản lượng”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ) cho biết.
Nông dân Ấn Độ đã gieo cấy được 19,76 triệu ha lúa Hè tính đến ngày 20/7/2018, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành khí tượng dự báo lượng mưa năm 2018 sẽ thấp hơn bình thường, gây lo ngại ảnh hưởng xấu đến sản lượng nông nghiệp.
Trong khi đó, giá gạo cùng loại của Thái Lan tăng nhẹ lên 385 – 393 USD/tấn (FOB Bangkok), từ mức 380 – 385 USD/tấn cách đây một tuần, do đồng baht tăng giá trong khi theo giới kinh doanh gạo thì nhu cầu vẫn không có chuyển biến.
“Một số khách hàng Philippines, Indonesia và Malaysia quan tâm nhưng chưa ký được hợp đồng nào. Nếu giá vẫn giữ ở mức thấp, những nước này có thể đặt hàng”, Reuters dẫn lời một thương nhân tại Bangkok cho hay.
Thái Lan hiện đang trong thời kỳ thu hoạch vụ lúa trái mùa. Tuy nhiên, mưa nhiều có thể gây lũ lớn, ảnh hưởng tới nguồn cung.
Các thương gia cũng đang theo dõi sát mức nước tại 11 đập nước tại miền Trung Thái Lan để đánh giá khả năng lũ quét. Mức nước tại 11 đập này hiện đã lên gần ngưỡng tối đa. “Nếu xả đập, lũ lụt chắc chắn sẽ xảy ra, mùa màng sẽ bị phá hủy, và giá sẽ tăng vọt”, một thương gia cho biết.
Giá gạo Việt Nam tuần này ở mức 385 – 395 USD/tấn (5% tấm, FOB), so với 390 – 395 USD/tấn cách đây một tuần.
“Thị trường khá yên ắng vì chúng tôi đang tập trung giao hàng cho những đơn đã được ký trước đó, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho hay.
Mực nước lũ tại khu vực ĐBSCL đang tăng dần buộc nông dân đang phải đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ lúa Hè – Thu”, một thương lái ở TP.HCM cho biết.
Theo nhận định của chính quyền một số địa phương, sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào đã gây ra lũ sớm tại Việt Nam, làm ngập hàng ngàn hecta lúa tại khu vực ĐBSCL nhưng mức độ thiệt hại không lớn và sẽ không ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nông dân ĐBSCL gieo cấy hơn 1,69 triệu ha lúa cho vụ Hè – Thu, với sản lượng thóc ước đạt 9,51 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nông dân tại khu vực này thu hoạch hơn 40% diện tích lúa Hè – Thu và dự kiến sẽ hoàn tất trong 15 – 20 ngày nữa.
Tại Philippines, Liên minh các nhà bán lẻ ngũ cốc Philippines (Grecon) ủng hộ đề xuất cho phép Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) nhập khẩu thêm gạo để kiềm chế lạm phát và hạ giá bán lẻ mặt hàng gạo. Chủ tịch Grecon, ông Jaime O. Magbanua cho biết, họ ủng hộ đề xuất của bà Gloria Macapagal-Arroyo, Chủ tịch Hạ viện Philippines, để cho phép NFA mua thêm 500.000 - 800.000 tấn gạo với thời gian giao hàng trong vòng 5 - 6 tháng tới.
"Chúng tôi ủng hộ đề xuất của bà ấy. Khối lượng nhập khẩu của NFA hiện không đủ để mang lại ảnh hưởng trên thị trường”, ông Magbanua nói.
"Chúng tôi ủng hộ (nhập khẩu bổ sung), và chúng tôi hy vọng rằng nó có thể đến trong thời gian sớm nhất có thể để giảm bớt căng thẳng (về giá)".
Với việc Philippines đang trong giai đoạn sản xuất gạo, giá lúa bán tại trang trại tăng đều, theo ông Magbanua.
Ví dụ, giá lúa ước mua tại Western Visayas hiện đã lên tới 25 peso/kg, khoảng 29 peso/kg khi sấy khô. Điều này, theo ông Magbanua, dễ dàng tăng giá bán lẻ từ 50 peso lên 58 peso/kg gạo.
Quy tắc chung của ngành là giá bán lẻ của gạo gấp đôi giá lúa của nông trại.
"Chúng tôi đang kêu gọi [chính phủ] tăng lượng gạo NFA trong khu vực để giá giảm xuống", ông nói thêm.
NFA đã mua 500.000 tấn gạo ở nước ngoài để làm đầy kho dự trữ cạn kiệt của mình và duy trì sự hiện diện của gạo giá rẻ trên thị trường.
Cơ quan thực phẩm hiện đang hoàn thành việc dỡ 250.000 tấn gạo được nhập khẩu thông qua chương trình G2G. Trong khi đó, 250.000 tấn còn lại NFA mua qua đấu thầu mở dự kiến cập cảng vào cuối tháng.
Tháng trước, người đứng đầu NFA, ông Jason Y. Aquino cho biết, họ đang đề nghị nhập thêm 500.000 tấn gạo trước khi năm kết thúc để ngăn chặn sự cạn kiệt của kho dự trữ và sự biến mất của gạo giá rẻ trên thị trường nội địa.
Một số thông tin liên quan
Phillipines áp thuế gạo nhập khẩu để hỗ trợ người nông dân
Ngày 26/7/2018, Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Piñol cho biết, việc dỡ bỏ các hạn chế định lượng (QR) về nhập khẩu gạo và áp mức thuế quan sẽ ổn định giá và đảm bảo với người nông dân, họ sẽ trở nên “rất cạnh tranh” khi mức thuếthu được dùng để đầu tư vào các trang trại địa phương.
"Nếu mỗi năm, chúng ta thu được 10 tỷ peso (từ thuế quan) cho ngành công nghiệp gạo nhờ gỡ bỏ những hạn chế, chúng ta có thể cung cấp hạt giống miễn phí cho nông dân", ông Piñol phát biểu tại Lingayen, Pangasinan trong quá trình kiểm tra thiệt hại do lũ lụt gây ra cho các trang trại.
"Chúng ta thậm chí có thể trợ cấp phân bón và chúng tôi sẽ có thể đạt được mục tiêu của mình", ông nói thêm.
Trước đó, ngày 23/7/2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã yêu cầu Quốc hội sửa đổi Đạo luật Cộng hòa số 8178 (RA 8178), hay Đạo luật thuế nông nghiệp, nhằm áp đặt hạn ngạch nhập khẩu gạo.
Thuế nhập khẩu 35% không thể giúp gạo Philippines trở nên cạnh tranh trong khu vực
Việc áp dụng thuế suất 35% đối với gạo nhập khẩu vẫn sẽ khiến gạo Philippines không cạnh tranh với sản phẩm từ các quốc gia láng giềng Đông Nam Á, theo Thượng nghị sĩ Cynthia A. Villar.
Trong một cuộc phỏng vấn trên radio, bà Villar, chủ tịch Ủy ban Thượng viện về nông nghiệp và thực phẩm, cho rằng chính phủ nên hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, đặc biệt là cơ giới hóa và mua hạt giống có năng suất cao.
"Ngay cả khi chúng ta áp dụng thuế 35%, gạo Philippines vẫn không cạnh tranh. Hiện, tôi yêu cầu chính phủ quốc gia cung cấp ngân sách cho người nông dân trồng lúa để cơ giới hóa và cung cấp hạt giống có thể tăng sản lượng trên mỗi ha từ bốn tấn/ha lên sáu tấn”, bà nói.
“Vì đó là cách duy nhất chúng ta có thể cạnh tranh với Việt Nam. Và cơ giới hóa cũng vì chi phí lao động ở Việt Nam rẻ hơn. Sản phẩm của chúng ta đắt tiền vì chúng ta không được cơ giới hoá”, bà Villar nói thêm.
Bà Villar dự định sẽ lập dự luật thuế gạo tại Đại hội Thượng viện trong phiên họp Quốc hội lần này. Bà cũng xác định dự luật này là một trong các ưu tiên lập pháp của ủy ban.
Giá gạo chất lượng cao Myanmar tăng hơn 40% vì sản lượng giảm
Theo Liên đoàn gạo Myanmar, giá gạo chất lượng cao tại quốc gia này đang tăng cao vì sản lượng giảm.
Người Myanmar chủ yếu tiêu thụ loại gạo Pawsan chất lượng cao, được trồng tại vùng Ayeyarwady, và gạo Shwe Bo Pawsan, trồng tại vùng Sagaing.
Hiện, giá lúa tại Shwe Bo là hơn 1 triệu kyat/100 thúng. Trong khi giá lúa tại vùng Ayeyarwady là hơn 500.000 kyat và 600.000 kyat/100 thúng.
Liên đoàn gạo Myanmar gợi ý để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, người nông dân, thương lái và các nhà xuất khẩu nên hợp tác để phát triển một hệ thống hợp đồng.
Thêm 5 nhà chế biến gạo Ấn Độ được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc
Trung Quốc đã cho phép thêm 5 nhà chế biến gạo của Ấn Độ, gồm cả côgn ty Chaman Lal Setia và Adani Wilmar, xuất khẩu gạo sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi thanh tra cơ sở, trong khi bốn cơ sở khác được yêu cầu cải thiện điều kiện kho lưu trữ.
Trong năm 2016, Trung Quốc đã chính thức công nhận 14 nhà xuất khẩu gạo, sau khi thanh tra cơ sở chế biến của họ tại Ấn Độ, nhưng cấm hoạt động xuất khẩu diễn ra vì vấn đề kiểm dịch. Theo đó phía Trung Quốc cho biết có sự xuất hiện của một loại bọ gây hại, được biết đến là mọt cứng đốt, trong gạo Ấn Độ.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Trung Quốc hồi tháng 6, một biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp Ấn Độ về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với gạo xuất khẩu từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Quy định về yêu cầu kiểm dịch thực vật năm 2006 đối với gạo xuất khẩu từ Ấn Độ sang Trung Quốc đã được điều chỉnh để gồm cả xuất khẩu các loại gạo non-basmati từ quốc gia này.
Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, mua hơn 5 triệu tấn gạo mỗi năm từ Việt Nam, Thái Lan và Pakistan. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ nhận định, họ có tiềm năng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, gồm cả các loại gạo basmati sang Trung Quốc trong vài năm tới, nếu thương mại tự do được cho phép.
Tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ lên đến 12,7 triệu tấn trong năm tài chính năm ngoái, tăng từ mức 10,8 triệu tấn một năm trước đó. Điều này cho phép quốc gia này duy trì vị trí là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Nguồn: VITIC tổng hợp