Gạo 5% tấm của Thái Lan ngày 9/1/2020 có giá 425-435 USD/tấn, gần như không thay đổi so với một tuần trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 6/2018.
Mặc dù nhu cầu vừa phải, giá gạo Thái Lan vẫn cao hơn gạo cùng loại của Việt Nam trong suốt năm 2019 và kéo dài sang năm 2020 do hạn hán đe dọa gây sụt giảm nguồn cung và đồng baht tiếp tục tăng giá.
Mùa khô ở Thái Lan bắt đầu từ tháng 11 và thường kéo dài tới tháng 4. Năm nay, các cơ quan chức năng cho biết khô hạn có thể kéo dài tới thán 6. Hạn hán xảy ra ở 14 tỉnh thành thuộc miền Trung, Nam và Đông Bắc Thái Lan – là các khu vực trồng trọt chủ chốt của nước này.
Tại Ấn Độ, giá gạo cũng vững trong bối cảnh nhu cầu từ các nước Châu Phi yếu.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ có giá khoảng 362 – 366 USD/tấn, không thay đổi so với cách đây một tuần. Nguồn cung từ vụ Hè Thu đang tăng lên.
Tại Bangladesh, thời tiết lạnh có thể gây ảnh hưởng tới sản lượng, trong đó có cả cây lúa. Dự báo thời tiết sẽ còn tiếp tục lạnh thêm vài ngày nữa.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá giảm nhẹ xuống 355 USD/tấn, từ mức 360 USD/tấn cách đây một tuần. Nhu cầu cũng thấp và lượng giao dịch không nhiều.
Số liệu sơ bộ cho thấy xuất bốc xếp gạo tại cảng TP HCM từ 1/1 đến 23/1/2020 sẽ đạt 138.650 tấn, chủ yếu tới Iraq và Tây Phi.
Bộ Công Thương tuần này đã bổ sung 47 công ty vào danh sách các thương nhân được phép xuất khẩu gạo, đưa tổng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo lên 182. Các thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam đã và đang tiếp tục góp phần đưa những “hạt ngọc trời” của Việt Nam với chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Mặc dù, trong những năm gần đây, khi nhiều nước nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo theo hướng thị trường thuộc về người mua, trong hoạt động điều hành xuất khẩu gạo, đối với các đợt thầu G2P, chủ trương của Bộ Công Thương là cho phép tất cả các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được tham gia và kịp thời công bố thông tin về các đợt đấu thầu của các nước trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam tới các thương nhân.
Nguồn:VITIC/Reuters