menu search
Đóng menu
Đóng

TT rau quả ngày 30/3: Đà Lạt giá hành tây và khoai tây giảm mạnh

15:13 31/03/2018

Vinanet -Hiện đang là thời điểm thu hoạch chính vụ nhưng giá hành tây, khoai tây Đà Lạt đang ở mức dưới giá thành.
Giá hành tây loại đẹp thu mua tại vườn ở Đà Lạt chỉ 3.000 đồng một kg và thương lái cũng rất kén hàng, chỉ chọn những vườn hành đẹp để mua trữ.
Một người trồng hành ở Đà Lạt cho biết, với những vườn hành đẹp, sản lượng đạt mức cao thì 1.000 m2 cũng chỉ thu được 8 tấn. Với mức giá 3.000 đồng một kg như hiện nay thì nông dân khó thu hồi vốn vì hành tây chính vụ thường được nhà vườn đầu tư rất mạnh tay, chưa tính tới việc chi phí nhân công thu hoạch. Ở cùng thời điểm năm trước, hành tây có giá 6.000 đồng nên nhà vườn lãi khá cao.
Nguyên nhân giá giảm, do năm nay xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc (thị trường nhập khẩu lớn) sụt giảm do nhu cầu tại đây yếu.
Hành tây chính vụ ở Lâm Đồng được canh tác chủ yếu tại các huyện Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt; sản lượng hàng năm lên tới 30.000 tấn.
Cùng với hành tây, các nhà vườn trồng khoai tây cũng đang trong tình cảnh lao đao vì giá. Hiện khoai tây da hồng, loại một (4-5 củ một kg) chỉ có giá 7.000 đồng; khoai tây loại nhỏ hơn 4.000-5.000 một kg. Mức giá này theo nhiều nhà vườn chỉ những vườn đạt sản lượng cao mới có thể hoà vốn.
Một nông dân trồng khoai ở Đà Lạt cho hay, ở cùng thời điểm này năm trước, khoai tây Đà Lạt có giá 11.000 đồng/kg, còn trước và sau Tết, khoai tây Đà Lạt có giá 14.000 – 16.000 đồng; hành tây cũng rất cao ở mức 11.000 đồng/kg.
Ngoài nguyên nhân hành tây, khoai tây chính vụ rớt giá mạnh vì xuất khẩu kém, các nhà vườn Đà Lạt còn cho biết năm nay sản phẩm này sẽ bị cạnh tranh bởi nguồn hàng phía Bắc và Trung Quốc.
Đối với thị trường Trung Quốc giờ đây đã trở nên khó tính hơn. Theo Bộ Công thương, từ ngày 1.4.2018, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả nước này khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” phải cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”. Thông tin bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Bên cạnh đó, ngành chức năng nước này cũng khuyến cáo DN có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Trước đó, vào cuối năm 2016 đầu năm 2017, Trung Quốc cũng đã đặt ra các yêu cầu rất nghiêm ngặt với hạt gạo VN và đã cử đoàn công tác sang tận ruộng, vào tận nhà máy để kiểm tra quy trình sản xuất, chế biến gạo.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc đạt 2,65 tỉ USD, tăng 52% so với năm 2016. Thị trường Trung Quốc hiện chiếm đến 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của VN. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh vì nhu cầu rất lớn và VN là nguồn cung bổ sung.
Nhìn vấn đề ở góc độ lạc quan, các rào cản sẽ giúp VN nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, kể cả thị trường Trung Quốc cũng ngày càng khó tính và chúng ta cần phải thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường.
Nguồn: VITIC tổng hợp/VnExpress, Thanh niên

Nguồn:Vinanet