menu search
Đóng menu
Đóng

TT rau quả những ngày sát tết: Giá rau xanh tăng 30%, cà rốt giảm hơn 50%

07:48 29/01/2019

Vinanet -Những ngày này, thị trường rau củ quả biến động trái chiều, ngược với giá rau xanh tại Hà Nội tăng khoảng 30%, thì Hải Dương với 1.200 ha cà rốt đang không có đầu ra, giá giảm hơn 50%.
Theo nguồn tin ANTĐ, hàng nghìn ha cà rốt ở các vựa lớn tại tỉnh Hải Dương đang gặp khó khăn về đầu ra, giá giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông nghiệp (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương, tổng diện tích cà rốt vụ đông toàn tỉnh năm nay khoảng 1.200 hecta, trong đó riêng 2 xã Đức Chính và Thái Tân tổng diện tích đã chiếm hơn 50% toàn tỉnh.

Kết quả hình ảnh cho cà rốt xã Đức Chính và Thái Tân, Hải Dương

Vụ đông năm nay, một số đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã hợp tác liên kết tiêu thụ cà rốt cho nông dân Hải Dương. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ qua các kênh này hiện vẫn khiêm tốn so với sản lượng cà rốt khổng lồ toàn tỉnh.
Trước thông tin này, Hệ thống Siêu thị Big C Central Group Việt Nam đã trực tiếp tìm hiểu, ký kết với tỉnh Hải Dương để thu mua, nhằm hỗ trợ nông dân tránh được cảnh “được mùa mất giá”. Đặc biệt, dịp giảm giá này đang rơi vào trước Tết Nguyên đán Kỷ Hơi.

Đại diện siêu thị Big C cho biết, từ ngày 25 -1-2019 đến hết ngày 4-2-2019 (tức ngày 30 Tết), 15 siêu thị Big C miền Bắc triển khai chương trình “Đồng hành cùng cùng người nông dân xã Đức Chính, Huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương”, nhằm hỗ trợ tiêu thụ cà rốt của nông dân Hải Dương.

Với giá bán 7.900 đồng/kg, dự kiến, 15 siêu thị Big C miền Bắc sẽ tiêu thụ khoảng 30 tấn cà rốt của xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) – xã trồng cà rốt lớn nhất miền Bắc.
Ngược với giá cà rốt, giá rau xanh thời điểm này trên khắp các xứ đồng canh tác rau màu của Hà Nội, không khí đang khá tấp nập, khẩn trương, bà con nông dân rất vui mừng vì một năm canh tác được mùa, được giá.

Hình ảnh có liên quan

Tại vùng rau an toàn xã Thanh Đa, Phúc Thọ với diện tích hơn 50ha trồng rau đã được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất an toàn, vụ rau Tết năm nay, người dân nơi đây tập trung trồng rau bắp cải, su hào. Nhờ kinh nghiệm trồng rau lâu năm, cộng với áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến nên toàn bộ diện tích rau sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.
Một nông ở đây cho biết, cách đây một tháng, giá bắp cải giao tại ruộng chỉ được 6.000 – 7.000 đ/kg, thì nay đã tăng lên 10.000 đồng/kg, su hào cũng tăng từ 4.000 đồng/củ lên 6.000 đồng/củ….
Hiện giá rau xanh trên thị trường đã tăng lên khoảng 30% so với ngày thường. Với mức giá này, người trồng rau có thu nhập khá, hứa hẹn sẽ có một cái Tết ấm no.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Tết Nguyên đán là dịp người dân tiêu thụ thực phẩm tăng mạnh nhất trong năm, đặc biệt là các loại rau xanh, củ, quả… Để chủ động cung ứng nguồn rau xanh phục vụ thị trường, ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có kế hoạch chỉ đạo các địa phương cân đối diện tích, cơ cấu chủng loại rau xuống giống hợp lý, đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ Tết. Vụ rau Tết năm nay, toàn TP gieo trồng khoảng 8.700ha, dự kiến cho thu hoạch 190.000 tấn rau các loại. Thời tiết từ đầu năm 2019 đến nay khá thuận để một số loại rau màu ngắn ngày phát triển. Ngoài ra, Hà Nội còn đang liên kết với hơn 40 tỉnh, thành để cung ứng rau xanh cho thị trường Thủ đô. Vì vậy, người tiêu dùng không lo thiếu nguồn rau phục vụ Tết.
Ngoài việc tăng diện tích, sản lượng, vài năm gần đây, Hà Nội còn tập trung nâng cao về chất lượng rau màu. Điều đó được thể hiện qua diện tích trồng rau được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất an toàn liên tục tăng. Hiện, toàn TP có 5.000ha rau màu đã được chứng nhận là vùng rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng rau màu, hạn chế việc người nông dân sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường hướng dẫn và giám sát bà con áp dụng các quy trình sản xuất an toàn. Đồng thời khuyến khích phát triển sản xuất vùng chuyên canh tập trung, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, chế phẩm sinh học. Từ đó đã góp phần thay đổi tư duy về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân, chuyển dần từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, chế phẩm sinh học nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:vinanet