menu search
Đóng menu
Đóng

USDA hạ dự báo sản lượng đường ở Brazil trong niên vụ 2024/25 do chất lượng mía thấp

11:31 16/10/2024

Năm 2024, Brazil ghi nhận các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bao gồm cả việc hạn hán nghiêm trọng ở Amazon và nắng nóng gia tăng ở một số khu vực. Mặc dù tác động của các đợt cháy rừng đối với sản xuất mía đường rất khó ước tính, nhưng tổn thất do cháy rừng trực tiếp gây ra sẽ không ảnh hưởng đến tổng sản lượng đường của Brazil trong niên vụ 2024/25.
USDA duy trì dự báo về sản lượng mía nghiền ở Brazil trong niên vụ 2024/25 ở mức 645 triệu tấn và điều chỉnh giảm sản lượng mía ở khu vực Trung Nam nước này xuống còn 590 triệu tấn, từ mức 600 triệu tấn trước đó (giảm 1,7%), do điều kiện khí hậu không thuận lợi. Báo cáo này cũng điều chỉnh giảm sản lượng đường tại Brazil trong niên vụ 2024/25 xuống còn 43 triệu tấn thô, từ mức 44 triệu tấn trước đó, do chất lượng mía giảm. Trong đó, 40 triệu tấn là của khu vực Trung Nam Brazil.
Hồi tháng 5/2024, Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (INPE) đã ghi nhận 6.324 vụ cháy rừng ở Brazil. Trong tháng tiếp theo, INPE đã ghi nhận 12.432 vụ cháy rừng. Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào tháng 7/2024, khi 22.478 vụ cháy được ghi nhận. Vào thời điểm đỉnh điểm của hạn hán, tháng 8/2024 ghi nhận 68.635 vụ cháy và tháng 9 ghi nhận tổng cộng 110.704 vụ cháy rừng.
Ngọn lửa đã thiêu rụi nhiều diện tích rừng, cây trồng và khu bảo tồn môi trường, giải phóng lượng khói lớn lan rộng hàng nghìn km và một số thành phố ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí đáng báo động. Tuy nhiên không có thông tin chính thức nào của chính phủ về quy mô của khu vực bị ảnh hưởng và tác động đến các cánh đồng mía ở khu vực Trung Nam Brazil.
Hiệp hội Mía đường Brazil (UNICA) báo cáo, từ tháng 8/2024 đến nửa đầu tháng 9/2024, các vụ cháy đã ảnh hưởng đến 230.000 ha đồn điền mía, với 180.000 ha mía được thu hoạch. Trung tâm Công nghệ Mía đường (CTC) báo cáo rằng 400.000 ha ruộng mía đã bị đốt cháy ở tiểu bang São Paulo vào nửa cuối tháng 8/2024 và 28.000 ha mía bị ảnh hưởng ở Minas Gerais.
Mặc dù tác động của các vụ cháy rừng đối với sản xuất mía đường rất khó ước tính, nhưng tổn thất do cháy rừng trực tiếp gây ra tương đối nhỏ so với tổng sản lượng lượng đường của Brazil trong niên vụ 2024/25.
Vụ thu hoạch mía đã ở giai đoạn tiến triển ở hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng. Mía có thể được chuyển thành đường ngay cả khi bị đốt và nếu mía được chế biến trong thời gian tối đa là bảy ngày. Nếu nồng độ đường thấp khiến quá trình kết tinh không thể thực hiện được, thì mía có thể được sử dụng trực tiếp để sản xuất ethanol.
Đầu tháng 9/2024, Raizen SA, doanh nghiệp xuất khẩu đường lớn nhất Brazil báo cáo, 1,8 triệu tấn mía bị ảnh hưởng, chiếm 2% dự báo sản lượng nghiền cho vụ thu hoạch 2024/25. Để tránh tổn thất thêm, công ty đã ưu tiên nghiền mía đã cháy. Raízen dự kiến có thể chế biến từ 82-85 triệu tấn mía trong mùa vụ 2024/25.
Từ ngày 1/4 - 15/9/2024, sản lượng đường tích luỹ tại khu vực Trung Nam Brazil đạt 30,3 triệu tấn thô, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tiểu bang São Paulo là nơi sản xuất lớn nhất cả nước và tích lũy sản lượng 19,8 triệu tấn thô, chiếm khoảng 65% tổng sản lượng của khu vực CS.
Không có nguồn chính thức nào về lượng đường tiêu thụ trong nước tại Brazil. Tuy nhiên, USDA duy trì dự báo về lượng đường tiêu thụ trong năm 2024/25 ở mức 9 triệu tấn. Ngay cả khi sản lượng đường có thể giảm thêm do kết thúc sớm vào đầu mùa và thời gian ngoài mùa dài hơn, Brazil vẫn có dự trữ để cung cấp cho thị trường trong nước và đảm bảo xuất khẩu. Tồn kho đường cuối vụ 2024/25 được dự báo đạt 260 triệu tấn, giảm 66% so với vụ trước.
USDA duy trì dự báo xuất khẩu đường của Brazil trong năm 2024/25 đạt 34,5 triệu tấn thô. Xuất khẩu đường thô có thể chiếm 29 triệu tấn và đường tinh luyện chiếm 5,5 triệu tấn. Từ tháng 4 - tháng 8/2024, Brazil đã xuất khẩu 15,7 triệu tấn đường thô, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, với thị phần là 70%. Doanh thu từ tháng 4 – tháng 8/2024 đạt 7,4 tỷ USD, tăng 14% so với vụ trước (6,4 tỷ USD).
Các nước nhập khẩu đường chính của Brazil là: Trung Quốc (1,7 triệu tấn), Indonesia (1,3 triệu tấn), Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (1,2 triệu tấn), Ấn Độ (1 triệu tấn) và Ai Cập (1 triệu tấn).
Mặc dù giá đường thế giới cao, lượng tiêu thụ đường toàn cầu vẫn mạnh. Brazil tiếp tục cung cấp nhu cầu đường của thế giới, được hỗ trợ bởi sự mất giá đều đặn của đồng nội tệ real Brazil, giúp duy trì sức cạnh tranh cao của đường Brazil.
Nguồn cung đường toàn cầu được cân bằng cho đến nửa đầu năm 2025, khi dự kiến sẽ có thặng dư trong điều kiện thời tiết tốt, diện tích thu hoạch mở rộng ở Thái Lan và khả năng Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục xuất khẩu.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters