menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu nông lâm thủy sản quý 1/2024: Cà phê lập kỷ lục, gạo và rau quả tiếp tục tăng mạnh

06:24 30/03/2024

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, toàn ngành nông lâm ngư ngiệp xuất siêu 3,36 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2024, tăng tới 96,5% so với cùng kỳ năm ngoái...
 
Theo báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 1/2024, ngành nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.
Theo đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trong quý 1 của năm 2024 ước đạt 2,9 - 3% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó trồng trọt tăng 2,02%; chăn nuôi tăng 4,34%, thủy sản tăng 3,46%; lâm nghiệp tăng 4,11%).
XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN TĂNG 21,8%
Trong tháng 3/2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,85 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 3/2023. Trong đó: nông sản chính đạt 2,75 tỷ USD (tăng 31,1% so với tháng 3/2023); lâm sản chính đạt 1,22 tỷ USD (giảm 0,3%), thủy sản 653 triệu USD (giảm 14,6%), chăn nuôi đạt 43,6 triệu USD (tăng 8,3%), đầu vào sản xuất đạt 173 triệu USD (tăng 0,2%).
Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.
"Xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2024: Nhóm nông sản chính đạt 7,46 tỷ USD, tăng 31,1%; lâm sản đạt 3,61 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%; đầu vào sản xuất 481 triệu USD, tăng 8,3% so vớ cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tính đến hết tháng 3/2024, đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD: Gỗ 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%); Rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%); Gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40% với lượng 2,07 triệu tấn, tăng 12%); Cà phê 1,9 tỷ USD (tăng 54,2% với lượng 799 nghìn tấn, tăng 44,4%).
Trong 3 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân của một số nông sản tăng so với cùng năm trước, gồm: gạo đạt 661 USD/tấn, tăng 5%; cà phê đạt 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%; cao su đạt 1.462 USD/tấn, tăng 5,1%; hạt tiêu đạt 4.153 USD/tấn, tăng 35,6%.
Ngược lại, một số mặt hàng suy giảm về giá xuất khẩu là hạt điều đạt 5.329 USD/tấn, giảm 8,6%; chè đạt 1.616 USD/tấn, giảm 2,2%; phân bón đạt 412 USD/tấn, giảm 9,1%…
Về thị trường: Xuất khẩu sang Châu Á đạt 6,27 tỷ USD (tăng 16,6%); Châu Mỹ 2,96 tỷ USD (tăng 27,2%); Châu Âu 1,85 tỷ USD (tăng 34,8%); Châu Đại Dương 188 triệu USD (tăng 22,9%) và Châu Phi 192 triệu USD (tăng 21,6%).
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 18,3%; Hoa Kỳ chiếm 19,9%, tăng 28,3% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 4,6%.
CÀ PHÊ, GẠO, RAU QUẢ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Cà phê đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong quý đầu năm nay. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 799 nghìn tấn cà phê, thu về 1,9 tỷ USD; tăng 44,45 về lượng và tăng 54,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử khi gần cán mốc 2 tỷ USD chỉ sau 3 tháng.
Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh, bình quân 3 tháng đạt 2.373 USD/tấn. Về chủng loại, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến. Về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường, như: Ý, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines...
Xuất khẩu gạo cũng tăng trưởng ấn tượng, với lượng xuất 2,07 triệu tấn và kim ngạch 1,37 tỷ USD; tăng 12% về lượng và tăng 40% về kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023. Việt Nam tiếp tục là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan.
"Cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ, và vượt qua cả thủy sản. Với tình hình này, dự báo xuất khẩu cà phê cả năm 2024 sẽ thiết lập mốc kỷ lục 5 – 5,5 tỷ USD".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thị trường gạo thế giới đang tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia. Đáng kể là Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước… gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia. Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo vẫn đang tạo nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành hàng gạo Việt Nam, Hiện gạo Việt Nam đang chiếm tới 85% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.
Indonesia là quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam. Hiện Indonesia đang trải qua 9 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Giá bán gạo lẻ tại thị trường đối với gạo phẩm cấp cao đang lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần Chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg.
Trước tình hình này, các chuyên giá khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang các thị trường Philippines và Indonesia.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho số lượng lớn người dân thu nhập trung bình và thấp.
Đối với ngành hàng rau qua, trong tháng 3/2024 kim ngạch xuất khẩu đạt 433 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.
Với những tín hiệu tích cực của thị trường, Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn dự báo, năm 2024 ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới 6-6,5 tỷ USD; tăng trưởng ở mức 15-20% so với năm 2023. Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho mặt hàng rau quả của Việt Nam bởi lợi thế về địa lý, nhiều nét tương đồng trong văn hóa ẩm thực.
Dự kiến, thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng này rất lớn.
Về công tác quản lý chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong quý 1/2024, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát đạt yêu cầu 99,6%, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường năm 2024.
Trong tháng 4/2024, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch; đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị về tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ đối với Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Nguồn:https://vneconomy.vn/

Link gốc