menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu nông, thủy sản “lấy đà” tốt từ quý đầu năm

08:30 11/04/2018

Vinanet - Kết thúc quý I, XK nông, lâm, thủy sản thu về 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017. Sự tăng trưởng được ghi nhận ở cả ba nhóm hàng là nông sản chính, lâm sản và thủy sản, tạo đà tốt để ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu XK 40 tỷ USD trong năm nay.

Lượng tăng, giá cũng lên

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy: Kết thúc quý I, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Thu về “trái ngọt” trong XK những tháng đầu năm, điển hình phải kể tới mặt hàng gạo. Lũy kế hết tháng 3, khối lượng XK gạo ước đạt 1,36 triệu tấn và 669 triệu USD, tăng 9,4% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, giá gạo XK bình quân 2 tháng đầu năm đạt 491 USD/tấn, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với 24,4% thị phần.

Ngoài gạo, hạt điều cũng là mặt hàng đón nhận tin vui trong 3 tháng qua khi XK tăng cả lượng lẫn giá.

Sẽ là thiếu sót nếu nói tới tăng trưởng XK tích cực trong ngành nông nghiệp ở quý đầu năm mà bỏ qua mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Theo Bộ NN&PTNT, lũy kế đến hết tháng 3, XK gỗ và sản phẩm gỗ đã góp 1,87 tỷ USD vào con số 8,7 tỷ USD kể trên. Giá trị XK này tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng xu thế gia tăng XK với mặt hàng gạo, điều, gỗ là thủy sản. Bộ NN&PTNT nêu rõ: Khối lượng XK thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, chiếm tới 50,5% tổng giá trị XK.

Đáng chú ý, tại thị trường nội địa, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 3 tiếp tục nóng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá thiết lập mức đỉnh mới, trung bình dao động ở mức 28.000 – 30.000 đ/kg, có nơi giá được đẩy lên đến 31.000 - 32.000 đ/kg. Thị trường tôm trong tháng 3 cũng tiếp tục xu hướng tăng giá đối với tôm sống do nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết tăng cao. Nhìn lại quý I/2018, thị trường tôm nguyên liệu diễn biến khá thuận lợi với nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng do thị trường XK thuận lợi, trong khi nguồn cá tới lứa thu hoạch không nhiều.

Khả quan mục tiêu 40 tỷ USD

Trong việc XK nhiều mặt hàng nông sản cũng như lâm sản, thủy sản “thuận buồm xuôi gió” từ quý đầu năm, nguyên nhân quan trọng được nhìn nhận đến từ thị trường thuận lợi, đồng thời chất lượng hàng hóa có sự cải thiện rõ rệt.

Đơn cử như mặt hàng gạo, những tháng đầu năm, giá XK gạo Việt Nam thậm chí còn vượt gạo Thái Lan. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, nguyên nhân mấu chốt của sự gia tăng sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam là bởi cơ cấu XK thay đổi, chất lượng gạo tăng lên. “Trước đây, Việt Nam chủ yếu XK gạo thường IR 50404. Hiện nay, gạo XK phần lớn là loại gạo ngon như gạo nếp, tám thơm, gạo jasmine... Định hướng nhiều năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam đã bước đầu có hiệu quả. Trong 3-4 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%. Trong năm 2018, XK gạo đặt mục tiêu 6,5 triệu tấn với cơ cấu XK chủ yếu là gạo chất lượng tốt. Loại gạo thường IR50404 vẫn giữ tỷ lệ nhất định trong cơ cấu hàng XK, song không quá 20%”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Phân tích sâu hơn về mặt hàng gỗ, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay: Ngay từ cuối quý IV/2017, các DN chế biến, XK gỗ đã ký được 50-60% đơn hàng trong năm 2018. Năm 2018, XK gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc chắc chắn sẽ tăng lên. Dự kiến, XK sang thị trường Hoa Kỳ đạt 2,8 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 1,1-1,2 tỷ USD, Hàn Quốc và EU đều đạt khoảng 700-800 triệu USD. Ngoài ra, XK gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường mới như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khá khả quan. "Mục tiêu XK ngành gỗ đặt ra 9 tỷ USD trong năm nay là trong tầm tay”, ông Quyền nhận định.

Ngoài gỗ, năm 2018, để toàn ngành nông nghiệp có thể đạt mục tiêu XK 40 tỷ USD, ngành thủy sản cũng hướng tới mục tiêu XK 9 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, với con số 9 tỷ USD, mức tăng trưởng XK thủy sản 2018 mới đạt khoảng 10% so với năm 2017, trong khi đó tăng trưởng XK năm 2017 đạt tới 18% so với năm 2016. Thứ trưởng Tám phân tích: Hiện, một trong những thách thức nổi cộm của ngành thủy sản là luôn phải cạnh tranh với các đối thủ có cùng chủng loại sản phẩm XK. Vì vậy, giải pháp quan trọng phải đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành, tăng chất lượng; đồng thời cần kiểm soát tốt dịch bệnh và dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm… “Việt Nam đang thực hiện Chính phủ kiến tạo, xây dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Tới đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT sẽ gặp gỡ các DN để lắng nghe, đồng thời tiếp tục kiến nghị các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN XK”, Thứ trưởng Tám nói. 

Trái ngược với sự gia tăng XK ở các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, điều…, trong quý đầu năm, giá trị XK một số mặt hàng nông sản như cà phê, cao su, hồ tiêu,… lại ghi nhận sụt giảm.

Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, XK tiêu cả quý đầu năm chỉ đạt 54 nghìn tấn và 203 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng nhưng giảm 37,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu XK bình quân 2 tháng đầu năm giảm xuống tới mức kỷ lục chỉ còn 3.822 USD/tấn, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Với cà phê, tính tới hết tháng 3, XK đạt 520 nghìn tấn và 1 tỷ USD, tăng 15,1% về khối lượng nhưng giảm 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 2 tháng đầu năm, giá cà phê XK giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ở mặt hàng cao su, tình hình cũng không mấy khả quan khi XK trong quý I đạt 272 nghìn tấn và 403 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm 20,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 2 tháng đầu năm, giá cao su XK giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Nguồn: Baohaiquan.vn