Giá bình quân xuất khẩu quế trong năm 2023 đạt 2.918 USD/tấn giảm 22,1% so với năm ngoái. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam chiếm 42,6% đạt 38.038 tấn, tăng 14,0% so với năm trước.
Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ chiếm 11,4% đạt 10.163 tấn, tăng 7,0%; Bangladesh chiếm 6,2% đạt 5.564 tấn, tăng 32,1%…
Các doanh nghiệp xuất khẩu quế hàng đầu trong VPSA bao gồm: Prosi Thăng Long đạt 13.839 tấn, chiếm 15,5% giảm 8,4%; Senspices Việt Nam đạt 5.131 tấn, chiếm 5,7%. tăng 39,0%; gia vị Sơn Hà đạt 4.677 tấn, chiếm 5,2% giảm 0,7%; Olam Việt Nam đạt 3.445 tấn, chiếm 3,9%, giảm 27,1% và Tuấn Minh đạt 3.115 tấn, chiếm 3,5%, giảm 0,1%.
Về nhập khẩu, Việt Nam đã nhập khẩu 14.806 tấn quế, kim ngạch đạt 37,6 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 lượng nhập khẩu giảm 28,0%. Việt Nam nhập khẩu quế chủ yếu từ Trung Quốc và Indonesia chiếm lần lượt 81,2% và 12,6% đạt 12.017 tấn và 1.869 tấn.
Cùng với quế, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 16.136 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 83 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 26%. Giá xuất khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 6.376 USD/tấn giảm 8% so với năm 2022.
Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam đạt 7.860 tấn và 4.116 tấn, lần lượt chiếm 48,7% và 25,5% thị phần xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu hoa hồi trong VPSA bao gồm: Prosi Thăng Long đạt 2.396 tấn, chiếm 14,8% thị phần; Nedspice đạt 1.243 tấn chiếm 7,7% và Tuấn Minh đạt 550 tấn chiếm 3,4%.
Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích quế Việt Nam năm 2023 ước đạt 180 ngàn ha. Diện tích quế tăng trong những năm gần đây do thời điểm năm 2018 giá quế ở mức cao, nên người nông dân bắt đầu mở rộng trồng quế.
Cây quế được người nông dân coi như là tài sản để dành, khi nào cần tiền thì sẽ thu hoạch. Tuy nhiên, năm 2023 là một năm kinh tế khó khăn nên người nông dân bắt buộc phải thu hoạch quế để trang trải cuộc sống, dẫn tới sản lượng quế thu hoạch năm 2023 ước đạt khoảng 70 ngàn tấn.
Nguồn:Nguyễn Hạnh / Báo Công Thương