Tuy nhiên, tỷ trọng mặt hàng này vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang đảo quốc sư tử. Điều này cho thấy, dư địa phát triển còn rất lớn, nếu có chiến lược đầu tư bài bản về chất lượng, minh bạch hóa và thương hiệu.
Tăng tốc xuất khẩu trong tháng 3
Theo số liệu từ Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Singapore trong quý I/2025 đạt hơn 1,36 tỷ USD. Trong đó, riêng tháng 3 đã đóng góp trên 553,7 triệu USD – chiếm khoảng 40,7% tổng trị giá quý I, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu nhập khẩu tăng cao trong tháng này.
Riêng với mặt hàng rau quả, xuất khẩu sang Singapore trong tháng 3 đạt hơn 4,067 triệu USD – cao hơn đáng kể so với mức trung bình hai tháng đầu năm. Tính lũy kế quý I, tổng trị giá xuất khẩu rau quả đạt 10,6 triệu USD, chiếm khoảng 0,78% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Với mức tăng trưởng khoảng 23,9% trong tháng 3 so với trung bình tháng 1 và 2, xuất khẩu rau quả cho thấy đà phục hồi rõ nét. Một phần nguyên nhân đến từ việc Singapore bước vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng phục vụ lễ hội và du lịch nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu rau quả tăng mạnh. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Việt đã cải thiện đáng kể khả năng đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch và truy xuất nguồn gốc giúp hoạt động xuất khẩu thuận lợi.
Lưu ý e-Service và tiêu chuẩn kiểm dịch
Từ ngày 1/5/2025, Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) chính thức áp dụng nền tảng dịch vụ điện tử e-Service để công bố và tra cứu kết quả kiểm tra phòng thí nghiệm đối với trái cây, rau quả tươi và làm mát nhập khẩu.
Trong 3 tháng chuyển tiếp (từ 1/5 đến 31/7), nhà nhập khẩu sẽ nhận thông báo kết quả kiểm tra theo phương thức truyền thống. Sau đó, chỉ kết quả không đạt hoặc các quy trình tiêu hủy mới được báo bằng điện thoại; còn lại toàn bộ dữ liệu sẽ cập nhật trực tuyến qua e-Service.
Điều này buộc doanh nghiệp Việt xuất khẩu rau quả sang Singapore cần chủ động phối hợp với đối tác nhập khẩu để nắm bắt thông tin kiểm tra kịp thời, từ đó xây dựng phương án xử lý khi có yêu cầu. Mặc dù hệ thống e-Service hiện chỉ cho phép các doanh nghiệp Singapore tra cứu thông tin của chính họ, nhưng đây vẫn là công cụ kỹ thuật số hữu ích để nâng cao minh bạch trong chuỗi cung ứng.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore nhận định: việc triển khai e-Service là một động thái tích cực, khuyến khích số hóa hoạt động nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt không chuẩn bị tốt, việc truy xuất nguồn gốc, công bố chỉ số chất lượng sản phẩm… sẽ là rào cản lớn khi thâm nhập và mở rộng thị phần tại Singapore – thị trường vốn nổi tiếng khó tính và yêu cầu tiêu chuẩn cao.
Xây dựng thương hiệu Việt trên kệ siêu thị Singapore
Mặc dù xuất khẩu rau quả sang Singapore trong quý I/2025 có tăng trưởng, nhưng với tỷ trọng chỉ 0,78%, đây vẫn chưa phải nhóm hàng chiến lược tại thị trường này. Trong khi đó, Singapore lại là một trong những trung tâm phân phối nông sản lớn trong khu vực, có sức mua ổn định và khả năng lan tỏa thương hiệu mạnh mẽ.
Thay vì tập trung vào xuất khẩu số lượng lớn qua kênh thương lái, nhiều chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp Việt nên hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho rau quả – nhất là với các mặt hàng có tiềm năng cao như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, dừa…
Cần một chiến lược tiếp cận bài bản hơn: từ kiểm soát chất lượng, hoàn thiện chuỗi cung ứng, đến đầu tư nhận diện thương hiệu và hiện diện tại hệ thống siêu thị, nhà phân phối Singapore. Đồng thời, tăng cường hợp tác với nhà nhập khẩu sở tại để nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch điện tử là yếu tố sống còn trong giai đoạn tới.
Khi xuất khẩu không còn là cuộc chạy đua về số lượng mà là cuộc đua về độ tin cậy, khả năng truy xuất và chất lượng, rau quả Việt cần một bước chuyển mình thật sự – cả về tư duy lẫn hành động.
Nguồn:Haiquanonline