menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU tăng 5,4% trong 5 tháng đầu năm 2024

16:01 31/07/2024

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong tháng 5/2024 đạt 98,72 triệu USD, tăng 10,02% so với tháng 4/2024 và tăng 17,8% so với tháng 5/2024. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt 397,38 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2023.
 
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đức lớn nhất, với mức trị giá đạt 19,53 triệu USD vào tháng 5/2024, tăng 1,5% so với tháng 4/2024. Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Đức đạt 77,4 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 19,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU.
Đứng thứ hai là thị trường Hà Lan với trị giá xuất khẩu trong tháng 5/2023 đạt 19,09 triệu USD, tăng 1,4% so với tháng 4/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan đạt 75,4 triệu USD mặt hàng thủy sản, tăng nhẹ 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương với mức tỷ trọng 18,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.
Đứng thứ 3 là thị trường Bỉ với trị giá đạt 13,9 triệu USD vào tháng 5/2024, tăng 26,9% so với tháng 4/2024. Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Bỉ đạt 48,8 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 12,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản chung của Việt Nam sang EU.
Đáng chú ý, một số thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong 5 tháng đầu năm 2024 như: Thụy Điển tăng 38,3% so với cùng kỳ 2023, tương đương mức trị giá đạt 9,3 triệu USD; Ireland tăng 81,6%; Đan Mạch tăng 21,9%; xuất sang Bungari mặc dù kim ngạch đạt hơn 2,2 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 179,3%.
Một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước: xuất sang thị trường Pháp giảm 27,9%; xuất sang Bồ Đào Nha giảm 19,2%; xuất sang Phần Lan giảm 70%; xuất sang Croatia giảm 40,3%; một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như Malta, Estonia và Áo giảm lần lượt 40,7%; 10,3% và 76,3%.
Đánh giá tổng quan tình hình xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nguồn lợi thủy, hải sản giàu có và phong phú trong khu vực và trên thế giới và có tốc độ tăng trưởng thủy sản nhanh về cả sản lượng sản xuất và quy mô xuất khẩu thủy sản. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu thủy sản là một ngành kinh tế quan trọng ở Việt Nam do sự tăng trưởng nhanh và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao hiệp định EVFTA càng là yếu tố thuận lợi giúp xuất khẩu sang EU thêm khởi sắc.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU 5 tháng đầu năm 2024 tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực của ngành hàng này. EU có mức tăng trưởng khá hơn, nhờ sự phục hồi trở lại từ tháng 4/2024. Tuy nhiên, ngành hàng tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao.
Trong những tháng tiếp theo, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tăng nhẹ cho đến cuối năm. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu hàng giá trị gia tăng của thị trường này sẽ tăng trưởng tốt hơn các mặt hàng truyền thống bởi tồn kho đã giảm nhiều.
Trong giai đoạn từ năm 2022 đến hết 5 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2022 đạt cao nhất, với trị giá 1,22 tỷ USD, tăng so với 1,01 tỷ năm 2021 và 915 triệu USD năm 2020 và tăng mạnh so với 870 triệu của năm 2023.
Trong năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng mạnh là do nhu cầu tại các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Trung Quốc… phục hồi mạnh. Thứ hai nguồn cung nhiều nước gián đoạn, hồi phục chậm trong khi trong nước phục hồi tốt. Thứ ba là lượng tồn kho cao, đặc biệt nửa đầu năm. Thứ tư là sự trở lại sôi động của các chương trình xúc tiến thương mại sang EU và lợi thế về giá.
Theo các doanh nghiệp, mặc dù xuất khẩu thủy sản sang EU nói riêng và các thị trường khác nói chung đều sụt giảm mạnh trong năm 2023, nhưng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Qua đó cho thấy EU từ lâu vẫn luôn một trong những là thị trường truyền thống của thủy sản Việt Nam. Do đó, việc duy trì sự hiện diện của thủy sản Việt Nam tại Triển lãm Thủy sản toàn cầu luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp.

Nguồn:VINANET/VITIC