Tín hiệu tốt cho mặt hàng cá tra
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), XK thủy sản tháng 10/2023 ước đạt trên 863 triệu USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 10, XK thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phân tích của bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP, XK cá tra trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Hết tháng 10, XK cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. XK mặt hàng chủ lực này đang có tín hiệu khả quan hơn sau những thông tin tích cực về thị trường Mỹ. Sau chương trình thanh tra của FSIS, cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022 có mức thuế thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Dù chưa phải là kết quả cuối cùng nhưng đây là tin vui cho các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Nhu cầu cá tra của thị trường Mỹ cũng đang hồi phục. Hiện nay Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang tìm mua 5,96 triệu pound phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ ba của Bộ vào năm 2023, sau thương vụ mua 6,2 triệu pound phi lê cá da trơn chưa tẩm bột với tổng trị giá 41,8 triệu USD (38 triệu EUR) vào tháng 3.
Nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này... Trong 8 tháng năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 11.900 tấn cá tra từ Việt Nam, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số bán cá tra phile tẩm bột vẫn tăng, khi mà sản phẩm này xuất hiện ngày càng nhiều trên thực đơn các nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc với giá 5,47 – 6,83 USD/suất. Sản phẩm này cũng nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng Trung Quốc.
Đặc biệt, Brazil là thị trường tiêu thụ cá tra đơn lẻ lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch đạt 71 triệu USD, chiếm 5% tỷ trọng XK cá tra của cả nước sang các thị trường. Việt Nam cũng là nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ này.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quý 3/2023, Brazil tiêu thụ lượng cá tra Việt Nam với kim ngạch hơn 33 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá tra Việt Nam được người tiêu dùng Brazil yêu thích không chỉ vì hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng mà còn vì giá cả hợp lí, nhất là trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cũng như những căng thẳng của cuộc chiến Nga – Ukraine khiến người dân thắt chặt chi tiêu.
Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Brazil ngày càng phát triển tích cực, là cơ hội tốt cho hàng nông sản Việt, trong đó có mặt hàng cá tra sang thị trường này.
Tôm xuất khẩu vẫn nhiều khó khăn
Là một trong 2 mặt hàng thủy sản XK chủ lực, mặt hàng tôm XK lại đang gặp nhiều khó khăn. Tính tới hết tháng 10/2023, tôm chiếm 38% kim ngạch XK thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10, XK tôm đạt khoảng 320 triệu USD, giảm 11% so với tháng 10/2022.
Theo bà Lê Hằng, diễn biến XK tôm trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào những biến động trên thị trường Mỹ. Khối lượng nhập khẩu tôm bắt đầu hồi phục, tuy nhiên, giá nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu giảm không chỉ ảnh hưởng đến XK của Việt Nam và cả ngành tôm Ấn Độ cũng lao đao.
Ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới trong hơn một năm. Tại Mỹ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%. Dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Mỹ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này.
Cùng với đó, mới đây, Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ đã nộp đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ chống trợ cấp với mặt hàng tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sao Ta, nếu vụ kiện được tiến hành sẽ tạo thêm thách thức cho ngành tôm Việt Nam.
Điểm sáng XK thủy sản trong tháng 10, XK cá ngừ và cua ghẹ có chiều hướng khả quan hơn với mức tăng trưởng 2 con số, tăng lần lượt 13% và 40% so với cùng kỳ, đạt 87 triệu USD và 28 triệu USD. Tới hết tháng 10, cá ngừ đã mang về 704 triệu USD, giảm 20% và cua ghẹ thu về 164 triệu USD, ít hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ cá ngừ, mực, bạch tuộc và một số hải sản cao cấp tiếp tục bị tác động từ bối cảnh kinh tế giảm, lạm phát cao, người tiêu dùng chi tiêu thận trọng. Để hầu hết người tiêu dùng vẫn tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản đang có xu hướng đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập. Xu hướng này hy vọng sẽ kích cầu hải sản tốt hơn trong thời gian tới.
Nguồn:Haiquanonline