menu search
Đóng menu
Đóng

Ảnh hưởng của Nicotine có trong thuốc lá phá hủy hệ thần kinh con người

11:00 29/10/2024

Thuốc lá là một trong những tác nhân gây nên rất nhiều bệnh tật cho người sử dụng, cũng như người sống trong môi trường có khói thuốc. Ở hệ thần kinh trung ương, nicotine có thể khiến giấc ngủ bị rối loạn, nhức đầu, chóng mặt, nguy cơ hạn chế dòng máu chảy lên não và dễ gặp ác mộng. Ngoài ra, bạn sẽ dễ bị kích thích và tăng khả năng hành động nông nổi khi sử dụng nhiều nicotine.
 

Ảnh minh họa

Nicotine là một trong những thành phần có trong thuốc lá làm thay đổi tâm trạng. Sau khi được sử dụng, chất này sẽ truyền tới não trong vài giây. Nó kích thích hệ thần kinh trung ương, gây ức chế cản trở sự trao đổi thông tin giữa các tế bào thần kinh, khi đó bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Các độc tố trong khói thuốc còn ngăn cản việc tuần hoàn máu lên não dẫn đến tình trạng máu đông trong não gây liệt cơ mặt, mờ mắt, đi lại khó khăn và có thể dẫn đến tử vong.
Bên cạnh đó, khói thuốc lá còn làm giảm số lượng các tế bào thần kinh trong não, làm suy giảm trí nhớ. Nghiêm trọng hơn, đây là một trong những tác nhân gây ung thư môi, ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư bàng quang và thận, ung thư cổ tử cung.
Nicotine tác động làm tăng các chất dẫn truyền thần kinh trung gian, khi hút nhiều cơ thể bị kích thích tiết các chất nội tiết tố liên tục cho đến khi các chất này bị cạn kiệt, lúc ấy thay vì có cảm giác sảng khoái, người bệnh lại thấy mệt mỏi hơn, khó tập trung tư tưởng, cáu gắt và suy sụp tinh thần mau chóng.
Phần lớn những người nghiện thuốc lá lại không ý thức được vấn đề này, khi họ hút thuốc mà không thấy sảng khoái thì lại có khuynh hướng tăng liều, nên càng lúc càng nghiện nặng hơn và phải gánh chịu những hậu quả rất tồi tệ.
Ngoài những tác hại nói trên còn ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình nhận thức của con người. Nicotine gây rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh đảm nhiệm vai trò tiếp nhận, xử lý và lưu giữ thông tin. Chính vì vậy, người nghiện thuốc lá sẽ bị suy yếu dần về mặt thần kinh, khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, phản xạ thần kinh sẽ bị chậm dần đi.
Người nghiện thuốc lá lâu năm có nguy cơ bị bệnh mất trí nhớ, nguy cơ bị sa sút trí tuệ, đây là 1 tình trạng ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng ngôn ngữ, khả năng tư duy, phán đoán hành vi. Một vài nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ người hút thuốc bị sa sút trí tuệ cao hơn 30% so với những người bình thường. Hút thuốc lá lâu năm còn gây suy não, thoái hóa tế bào não hoặc thậm chí là chết tế bào não.
Nicotine kích thích cho não tiết ra một lượng lớn chất dẫn truyền thần kinh dopamine – chất này kích thích các nơ-ron thần kinh tạo cảm giác thư giãn, thoải mái, khiến cho người hút thuốc cảm thấy sảng khoái khi hút thuốc. Tuy nhiên, dopamine sản sinh ra do kích thích của nicotine có hàm lượng rất cao, khiến cho não bộ ghi nhận là cơ thể đang bị dư thừa quá nhiều dopamine. Hiện tượng này khi kéo dài sẽ khiến não bộ tự điều chỉnh và giảm lượng dopamine được tiết ra tự nhiên. Chính vì vậy, khi không hút thuốc, cơ thể người sử dụng thuốc lá bị rơi vào trạng thái thiếu dopamine, dẫn đến cảm giác bồn chồn, ngứa ngáy, khó chịu, không tỉnh táo,… và cảm thấy thèm hút thuốc lá, hút thuốc để kích thích cơ thể tiết ra dopamine một cách không tự nhiên. Vòng tròn này lặp đi lặp lại chính là nguyên lý gây nghiện của thuốc lá mà nicotine là thủ phạm chính.
Vậy nên nếu muốn có một sức khỏe tốt, ngay từ bây giờ hãy tập cho mình thói quen từ bỏ những môi trường có nhiều khói thuốc, tránh xa những nơi tụ tập, cà phê, nhậu nhẹt. Kết hợp rèn luyện bản thân để có một lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe như đi bộ, chơi thể thao, nghe nhạc, đọc sách... Những thói quen này vừa giúp bạn giảm cơn thèm thuốc vừa giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
 

Nguồn:VITIC tổng hợp