menu search
Đóng menu
Đóng

Chuyện Bác bỏ thuốc lá

00:00 13/09/2018

Vinanet -Việc bỏ thuốc lá của Hồ Chủ tịch không phải nói là chấm dứt ngay được mà phải trải qua một quá trình như khi làm bất cứ một việc gì.
Theo đồng chí Vũ Kỳ, nguyên thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kể lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh hút thuốc lá rất nhiều. Việc hút thuốc lá liên quan tới hoạt động cách mạng của Người trong những năm 20 của thế kỷ XX khi Người mang tên Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Vũ Kỳ đã được Bác Hồ tâm sự: Những năm ở Pháp, Người là một thanh niên kháng Pháp nên luôn bị mật thám Pháp theo dõi ở khắp mọi nơi. Người biết bị theo dõi mà không dám quay đầu lại để nhìn. Để có thể quan sát được sự theo dõi, Người nghĩ ra cách hút thuốc. Mỗi lần như vậy, đi qua thùng đựng rác ven đường cách khoảng ba bước chân, Người dừng lại châm thuốc hút, rồi quay lại thùng rác để vứt que diêm, như vậy là Người có dịp quan sát xung quanh, liệu cách đối phó với kẻ theo dõi. Do giả vờ hút thuốc mãi mà đã trở thành thói quen của Người.
Năm 1957, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày cách mạng tháng Mười Nga thành công, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã sản xuất loại thuốc lá có đầu lọc để biếu các đại biểu dự đại hội. Đây là loại thuốc mà Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng. Loại thuốc có đầu lọc này nhẹ và ngon hơn loại thuốc của Mỹ và Pháp sản xuất vốn nặng và thường pha thuốc phiện. Các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đã biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh hộp thuốc lá này, có lẽ vì cũng biết Người thích hút loại đó. Khi hết thuốc, đồng chí Vũ Kỳ đã giữ lại chiếc hộp để đựng các loại thuốc lá khác cho Người hút vì hộp rất vừa và thuận tiện để bỏ túi. Về sau Trung Quốc sản xuất loại thuốc lá Seo Mao (tức Gấu Mèo) chuyên dùng cho Chủ tịch Mao Trạch Đông. Chủ tịch Mao đã gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, Người hút thuốc Gấu Mèo (thuốc đựng trong hộp giống hộp sữa bò).
Năm 1967, sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yếu nhiều, Người hay mệt và ho. Lo cho sức khoẻ của Người, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho các bác sĩ phải chăm sóc Người thật tận tình, chu đáo. Các bác sĩ đã đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không hút thuốc lá nữa. Người nói với đồng chí Vũ Kỳ rằng: "Các bác sĩ bảo Bác không hút thuốc lá nữa thì chú thấy thế nào?". Đồng chí Vũ Kỳ trả lời: "Các bác sĩ lo cho sức khoẻ của Bác là điều tốt, tôi tán thành". Người lại nói: "Mình đã hút thuốc gần 50 năm, bỏ cũng được, nhưng bỏ thì vẫn ho chứ không phải là hết ho" và Người kể cho đồng chí Vũ Kỳ nghe một câu chuyện cười của Pháp là "bỏ thuốc rất dễ, có người bỏ hút thuốc 50 lần nhưng vẫn hút lại, tức là sau mỗi lần bỏ dễ bị hút lại. Nhưng bác sĩ yêu cầu thì nên thôi, chú quản cho Bác". Từ đó đồng chí Vũ Kỳ bỏ hộp thuốc vào túi, thỉnh thoảng đưa cho Người hút một điếu.
Việc bỏ thuốc lá của Hồ Chủ tịch không phải nói là chấm dứt ngay được mà phải trải qua một quá trình như khi làm bất cứ một việc gì. Đó là phải đặt ra kế hoạch, có quyết tâm và biện pháp thực hiện. Người nói: "Quyết tâm một, kế hoạch mười, thì biện pháp phải hai mươi, có như vậy mới thực hiện được và bỏ hút thuốc cũng vậy".
Trong thời gian làm việc ở Phủ Chủ tịch, Người ở ba nơi: nhà sàn, nhà 54, nhà 67. Người bảo đồng chí Vũ Kỳ để ba lọ penixilin ở ba nơi làm việc.
Tuần thứ nhất, mỗi lần Người hút 2/3 điếu (một ngày nhiều nhất là 10 điếu), mỗi lần hút xong cho vào lọ pe-ni-xi-lin thì tắt luôn để nhìn thấy đúng 2/3 thì dừng lại không được hút nữa.
Tuần thứ hai, Người hút 1/2 điếu rồi bỏ vào lọ.
Tuần thứ ba, Người hút 1/3 điếu rồi bỏ vào lọ.
Đến tuần thứ tư, Người hút mấy hơi rồi bỏ vào lọ.
Theo lời kể của bác sĩ Lê Văn Mẫn (bác sĩ chăm sóc sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1967 đến năm 1969), hút thuốc lá là thú vui duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Người thường nói. Nhưng từ khi bị bệnh, theo lời khuyên của hội đồng thầy thuốc, Người có kế hoạch quyết tâm bỏ dần. Người nói: Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này. Rồi Người tự đề ra chương trình bỏ thuốc lá dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Người làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung. Tuổi Người đã cao mà phải làm như vậy thật quá vất vả. Việc tập một thói quen, rồi bỏ một thói quen không dễ chút nào. Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Người bảo đồng chí giúp việc để cho Người một vỏ lọ pe-ni-xi-lin ở nơi làm việc và ở phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Người dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành, anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Người bảo: "Nhưng hút thế để có cữ". Với cách làm đó Người đã giảm từ cả bao xuống ba, bốn điếu một ngày. Cứ như vậy Người hút thưa dần.
Đầu tháng 3-1968 nhân khi bị cảm ho nhẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự quyết định bỏ hẳn thuốc lá. Mấy ngày sau, anh em phục vụ vẫn để gói thuốc chỗ bàn làm việc của Người suốt một tuần liền nhưng Người không dùng.
Trong một tuần thấy Người quyết tâm như vậy anh em cất hẳn thuốc lá. Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Người nói: "Bác đã bỏ thuốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá". Sau này Người đã làm bài thơ Vô đề về việc Người bỏ thuốc lá như sau:
"Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa xuân
Trong lớp trẻ ngày hôm nay nhiều nam thanh niên đôi khi muốn chứng tỏ mình bằng những thói quen xấu mà không ý thức được mặt tiêu cực của nó, đặc biệt là hút thuốc. Vì thế câu chuyện của Bác Hồ lại càng là bài học quý báu cho lớp trẻ noi theo. Đúng như nhà thơ Hải Như đã viết "Trận thắng lớn - hỡi ai đừng xem nhỏ". Một việc nhỏ, bình dị trong đời thường, nhưng đã nhắn gửi với đời một thông điệp mang ý nghĩa nhân sinh lớn lao: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, hãy tự chiến thắng mình từ những việc cụ thể, thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.
Tư liệu Internet

Nguồn:VITIC/TH