Với mục tiêu phấn đấu môi trường giáo dục không khói thuốc. Công tác tuyên truyền đã được cơ sở giáo dục các địa phương đẩy mạnh thông qua việc tăng cường lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá trong dạy học chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Ngăn ngừa học sinh không sử dụng các sản phẩm của thuốc lá, tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên gương mẫu không hút thuốc lá.
Các cơ sở giáo dục đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá như: mít tinh, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá, thi vẽ tranh, thi hùng biện, chạy khẩu hiệu trên bảng thông tin điện tử của đơn vị, tọa đàm, diễn đàn, chương trình phát thanh học đường, Zalo, fanpage của nhà trường… Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tại Cà Mau: Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các điểm trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của luật phòng, chống tác hại thuốc lá và sự cần thiết của việc xây dựng môi trường không khói thuốc. Ở các hành lang, lớp học, phòng họp, phòng thí nghiệm, khu giảng đường, phòng học... đều gắn biển “cấm hút thuốc”. Tại các cấp trường học phải thực hiện lồng ghép các nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giảng dạy, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên về phòng chống tác hại của thuốc lá. Phát động phong trào thi đua phòng, chống tác hại thuốc lá ở các tổ chuyên môn, đưa ra các hình thức kỷ luật nếu vi phạm về hút thuốc đối với giáo viên và học sinh... Đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi luật phòng, chống tác hại thuốc lá trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhà trường.
Tại Quảng Ninh: Phấn đấu trong năm 2022, 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng hình thức phù hợp. Tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, đưa nội dung giảng dạy về phòng, chống tác hại thuốc lá vào trường học, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, tìm hiểu về luật phòng, chống tác hại thuốc lá trong các trường học. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình môi trường không khói thuốc, đặc biệt tại các trường học. Đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống và các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh.
Tại Nam Định: Cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá hàng năm, trong đó đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo dục bậc THCS, THPT dưới nhiều hình thức đa dạng. Các cơ sở giáo dục tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các môn học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo. Nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá được các trường đưa vào kế hoạch năm học, đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên tại đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra; nghiêm cấm việc mua, bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, hình ảnh liên quan đến thuốc lá, các pa nô tuyên truyền, biển cấm hút thuốc được treo tại nơi dễ nhìn thấy, đông người qua lại, phấn đấu trường học hoàn toàn không khói thuốc.
Nguồn:VITIC tổng hợp