menu search
Đóng menu
Đóng

Giải pháp lâu dài nhằm giảm tác hại của thuốc lá

00:00 10/12/2021

Ảnh minh họa

Để phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả hơn, hiện có nhiều ý kiến cho rằng cần có sự thay đổi chiến lược và nhìn nhận khoa học một cách khách quan đối với các giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá, hơn là dập tắt mọi cơ hội cải thiện sức khỏe cộng đồng.
 
Tác hại của thuốc lá được truyền thông mạnh suốt nhiều năm qua. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thống kê, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng gần 8 triệu người trên toàn cầu. Một triệu người trong số đó hút thuốc lá thụ động - hình thức hít phải khói thuốc lá từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá.
Những người hút thuốc là rất khó hay thậm chí không thể cai, tỷ lệ tái nghiện cao, kể cả khi họ mắc bệnh lý liên quan thuốc lá. Tại Việt Nam, tỷ lệ cai thành công chỉ 15-20%, có 90% người hút thuốc lá tại Việt Nam biết rõ tác hại của thuốc lá nhưng không thể cai; nước Mỹ, châu Âu tỷ lệ cai thuốc còn thấp hơn chỉ 9-10%.
Trong buổi tọa đàm "Làm thế nào giảm thiểu tác hại của thuốc lá" vừa diễn ra cuối tháng 10/2021, các chuyên gia cho rằng cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để phòng chống tác hại thuốc lá như giáo dục từ nhỏ, ngăn tiếp cận mới, chấp nhận giải pháp giảm tác hại...
Cần phòng ngừa bạn trẻ hút thuốc bằng cách đưa việc phòng chống thuốc lá vào trong trường học, kể cả mẫu giáo. Lứa tuổi mẫu giáo các em có ý thức rất cao, ghi nhớ lời thầy cô nói và cũng có ảnh hưởng lớn với ba mẹ. Về nhà có thể khuyên các thành viên gia đình bỏ thuốc lá.
Việc ngăn chặn những người mới hút thuốc lá chiếm 50% thành công trong chiến lược này. Nghĩ tới tương lai, những em bé đó 17-18 tuổi, ý thức mối nguy hiểm sẽ tránh được việc hút thuốc.
Chiến dịch phòng chống tác hại thuốc lá được Bộ Y tế nỗ lực thực hiện nhiều năm qua, trong đó có việc cấm thuốc lá trong phòng học, bệnh viện nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động. Phổi của phụ nữ, trẻ em rất nhạy cảm với thuốc lá, khi hút thụ động, các chất gây ung thư trong khói phả ra không qua đầu lọc nên tỷ lệ nhiễm cao hơn việc hút chủ động.
Cai nghiện tuy rất khó nhưng phải làm thường xuyên, những người đã nghiện phải được tư vấn và gửi đến trung tâm đầu tư bài bản, có chuyên viên chuyên nghiệp hỗ trợ cai thuốc lá. Hiện nay 50% người đã cai tái nghiện vì sau khi bỏ thuốc không được quản lý, tiếp xúc nhiều rủi ro xung quanh. Vì vậy theo các chuyên gia cần đầu tư nhân lực, kinh phí, đôn đốc theo dõi để quá trình cai nghiện thuốc lá thành công.
Khuyến khích người nghiện thuốc bỏ thuốc lá là giải pháp tối ưu nhất nhưng khi mọi nỗ lực thất bại, thì giải pháp dung hòa là hiệu quả để giảm thiểu tác hại của thuốc cho cộng đồng. Các chuyên gia cũng cho rằng, thay vì hút một điếu thuốc lá với tất cả độc hại thì để họ hút mỗi nicotine thôi và giảm những độc tính khác; đồng thời khí thở ra chỉ chứa hơi nước và tỷ lệ thấp chất gây ung thư, việc gây hại do hút thuốc thụ động cũng thấp hơn.
Biện pháp dung hòa, cũng là giải tỏa cho bệnh nhân thói quen nghiện hành vi hút thuốc bởi động tác hút và cầm điếu thuốc rất thú vị, khoái cảm. Hiện có một số sản phẩm thay thế nicotine (dán ở da, xịt họng, kẹo cao su...) nhưng nhiều người không chỉ cần nicotine. Khi sử dụng các sản phẩm này, họ bớt nghiện nicotine nhưng vẫn muốn thỏa mãn khoái cảm được duy trì thói quen cầm một điếu thuốc lên và phả ra làn khói. Do đó nhiều người vừa bổ sung nicotine vừa hút thuốc để tiếp thêm chất này vào máu, não gấp hai lần, đồng thời thỏa mãn sở thích cầm thuốc.
Trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc COVID-19, nhất là những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.
Giảm tỷ lệ hút thuốc lá có thể giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam không cấm hút thuốc hoàn toàn nhưng không khuyến khích hút thường xuyên. Để phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả, trước mắt thay vì cấm Việt Nam cũng nên tập trung vào các quy định điều chỉnh và giảm thiểu tác hại của thuốc trên cơ sở quản lý khoa học. Một trong những giải pháp hữu hiệu ngay là đưa ra khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới, giống như một số quốc gia đã cho phép thử nghiệm để giảm tác hại của thuốc lá thành công.

Nguồn:VITIC tổng hợp