menu search
Đóng menu
Đóng

Một số biện pháp giảm tỷ lệ hút thuốc lá tại Nhật Bản

08:00 22/10/2024

Nhật Bản là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá giảm mạnh trong những năm gần đây. Năm 2022, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tiến hành khảo sát trên 5.000 người từ 20 tuổi trở lên, kết quả cho thấy tỷ lệ người hút thuốc lá thường xuyên ở nam giới là 24,8% và 6,2% ở nữ giới, tỷ lệ hút thuốc chung là 14,8%. Tỷ lệ này giảm mạnh so với mức 30,3% của năm 2003 khi cuộc điều tra được tiến hành lần đầu tiên.
 
Tỷ lệ hút thuốc lá điếu truyền thống tại Nhật đã giảm đáng kể khi được chính phủ thông qua việc cung cấp hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới, hay còn gọi là thuốc lá không khói, với hàm lượng các chất gây hại thấp hơn so với thuốc lá điếu.
Theo nhận định của cựu chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới, muốn kiểm soát thuốc lá toàn cầu trước tiên là hỗ trợ những người hút thuốc lá chuyển từ các sản phẩm thuốc lá đốt cháy sang các sản phẩm ít tác hại hơn - chỉ cung cấp nicotine sạch mà không có khói thuốc lá do đốt cháy điếu thuốc. Vì vậy, không ít chuyên gia trên thế giới kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận biện pháp này nhằm giúp cho những người hút thuốc chưa thể cai thuốc có cơ hội chuyển đổi sang những sản phẩm ít tác hại hơn.
Trước đây, khi thuốc lá làm nóng chưa xuất hiện thì Nhật Bản đã từng là một quốc gia có lượng tiêu thụ thuốc lá điếu lớn nhất thế giới. Chỉ sau 8 năm cho phép thuốc lá làm nóng (TLLN) có mặt trên thị trường, lượng tiêu thụ thuốc lá điếu thông thường tại Nhật đã giảm khoảng 44%, vượt xa mục tiêu 30% người hút thuốc cai bỏ thuốc lá do WHO đặt ra cho từng quốc gia. Để có được kết quả trên, trong những năm qua, Chính phủ và chính quyền các địa phương của Nhật Bản đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm loại bỏ khói thuốc lá ra khỏi đời sống xã hội. Đặc biệt, áp dụng các chế tài như cấm và phạt nặng với những người hút thuốc ở nơi công cộng, bao gồm cả các đường phố và công viên; in, dán, treo các biển hiệu cấm hút thuốc lá trên vỉa hè, lòng đường, các nhà hàng không cho phép thực khách hút thuốc nhằm tránh nguy cơ hút thuốc thụ động.
Nhằm ngăn chặn sự tiếp cận của những đối tượng ngoài ý muốn như thanh thiếu niên, Chính phủ Nhật Bản đã có chế tài gắn trách nhiệm cho các nhà bán lẻ thuốc lá là không bán sản phẩm cho trẻ vị thành niên. Họ kiểm tra để xác minh độ tuổi trước khi bán, các nhà bán lẻ sẽ bị phạt nếu họ vi phạm.
Chính phủ Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm hút thuốc trong nhà và trên đường phố trên cả nước từ tháng 4/2020. Quy định cũng cấm hút thuốc trong khi đi bộ ở một số khu vực và tại các điểm du lịch, nếu người dân và du khách hút thuốc thì hút ở khu vực được hút thuốc đã quy định. Theo hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, khu vực hút thuốc ngoài trời thường có 2 loại là trần kín và trần hở. Trong khu hút thuốc phải đảm bảo lưu lượng gió lưu thông trung bình là 2 mét/giây.

Ảnh minh họa khu vực hút thuốc ở Tokyo

Ngoài ra, không có sự phân biệt về quan điểm trong việc quản lý thuốc lá điếu hay thuốc lá làm nóng đối với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi thì không được sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào, nếu giáo viên ở các trường Trung học phát hiện bất kỳ học sinh nào hút thuốc, dù là thuốc lá điếu hoặc thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, họ đều sẽ phạt nặng học sinh đó, thậm chí buộc thôi học.
Bên cạnh đó, tại một số khu vực hành chính thuộc Tokyo, điển hình như thành phố Tachikawa còn đưa ra quy định các điểm hút thuốc lá ngoài trời phải cách khu vực đông người như nhà ga, bến xe tối thiểu 250 mét. Tokyo đã đưa ra hình phạt nặng, theo đó cá nhân vi phạm quy định hút thuốc có thể chịu mức phạt lên tới 300 nghìn Yen, nhằm buộc người hút thuốc phải vào đúng khu vực được phép. Nhờ việc áp dụng đồng bộ và nghiêm khác nhiều biện pháp mà Nhật Bản đã thành công trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá.
 

Nguồn:VITIC tổng hợp