Mối liên quan giữa việc tăng thuế và tăng thuốc lá lậu ở nước ta
Hệ thống tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ở mặt hàng thuốc lá điếu đã được xây dựng và có lộ trình từ năm 2006 đến nay. Cụ thể tăng từ 55% lên 75% với mức tăng 5%/lần và thời gian giãn cách giữa các lần điều chỉnh tăng là 3-4 năm/lần.
Năm 2016, khi Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% kéo theo số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao lên gần 7,5 triệu bao năm 2017.
Năm 2019, tăng thuế từ 70% lên 75% dẫn đến số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao lên hơn 5,1 triệu bao vào năm 2020 và gần 6,6 triệu bao trong năm 2021.
Ảnh minh họa
Theo quá trình tăng thuế, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy cũng tăng theo vì lợi nhuận từ thuốc lá lậu quá “khủng” lên đến 400% do không phải chịu thuế nên người bán vẫn bất chấp để bán. Điều này đe dọa đến các mục tiêu kinh tế - xã hội của nước ta.
Trong giai đoạn 2019-2023, ngành thuốc lá hợp pháp nộp ngân sách Nhà nước hơn 100.000 tỉ đồng, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt không tạo ra cú sốc tăng giá thuốc lá hợp pháp một cách đột ngột, hạn chế được người dùng chuyển sang thuốc lá nhập lậu, từ đó góp phần kìm hãm sự gia tăng của loại thuốc lá này.
Việt Nam đã trải qua nhiều công cuộc cải cách tăng thuế thuốc lá, tuy nhiên mức tăng thuế không tăng nhanh như đề xuất lần này của dự thảo. Nếu thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh theo 2 phương án của Bộ Tài chính, sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Theo đó, dự báo đến năm 2030, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% so với hiện tại, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng lên 50 tỷ điếu còn thất thu ngân sách từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40 nghìn tỷ đồng so với mức 5-6 nghìn tỷ đồng hiện tại. Hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề , kéo theo việc làm của người lao động tại các nhà máy thuốc lá, nông dân ở các vùng trồng nguyên liệu và các nhà phân phối, nhà bán lẻ chịu tác động tiêu cực.
Tăng thuế thuốc lá, tình trạng buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi
Sản lượng thuốc lá nhập lậu vẫn đang diễn ra song hành với thuốc lá hợp pháp một cách hết sức phức tạp. Ước lượng thuốc lá lậu chiếm 13% - 15% tổng sản lượng toàn Việt Nam tương đương 4,8 - 5 tỷ bao. Trong giai đoạn 5 năm 2019-2023, tổng số thuốc lá nhập lậu bị thu giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao. Các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 59.637 vụ buôn lậu thuốc lá, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển.
Dù có những nỗ lực rất lớn từ các bộ, ngành và Chính phủ, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn gia tăng. Nguyên nhân là do nước ta có vùng biên giới rộng, các quốc gia lân cận không có chính sách phòng, chống thuốc lá lậu kiên quyết như Việt Nam, sự bất chấp của người bán thuốc lá lậu dù bị phát hiện và mức xử phạt cao thì cũng không ngăn được do lợi nhuận mang lại cực lớn. Việc tăng thuế cao đột ngột sẽ làm tăng lượng tiêu thụ thuốc lá lậu trên thị trường, gây thất thoát lớn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Theo đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân đối nhiều yếu tố. Phải đánh giá tác động cả về nguồn thu ngân sách, các khía cạnh kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... để có lộ trình tăng thuế hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Nguồn:VITIC tổng hợp