menu search
Đóng menu
Đóng

3 đồng tiền hưởng lợi nhiều nhất khi giá dầu lao dốc

18:42 07/08/2015

Dầu mỏ là mặt hàng đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến cán cân thanh toán của các nước, nhất là những nước nhập khẩu mặt hàng này với khối lượng lớn. Hãy xem xét đồng nội tệ của nước nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi giá dầu lao dốc như hiện nay.
Tính đến thời điểm này 30/7, 2015 giá dầu thô WTI khi đang được giao dịch dưới mức 50USD, hiện đang ở mức 44,66 USD/thùng, giảm hơn 50% so với mức đỉnh giá cao nhất 105 USD được lập ngày 20/6 năm ngoái.

Mức sụt giảm của giá dầu bắt đầu trở nên mạnh hơn kể từ 28/11/2014, ngay sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC thông báo sẽ không cắt giảm sản lượng để ngăn đà trượt của giá dầu. OPEC quyết tâm không để mất thêm thị phần và giành lại những thị phần cũ trên thị trường dầu lửa quốc tế thông qua việc duy trì mức giá dầu thấp để loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Để xác định xem đồng tiền nào đã hưởng lợi nhiều nhất từ mức giá dầu thấp này, thì việc kiểm tra, theo dõi lại diễn biến giá trị của 31 đồng tiền chính của thế giới, những đồng tiền có giá trị trao đổi trong thương mại toàn cầu cao nhất, tính từ 20/6/2014 cho tới những ngày cuối tháng 7 sẽ cho chúng ta biết kết quả.

Trong số các đồng tiền có mức tăng cao nhất giữa 31 đồng tiền này, thì lọc ra các đồng tiền đáp ứng những tiêu chí sau:

Thứ nhất là những đồng tiền được áp dụng theo chính sách tiền tệ thả nổi tỷ giá nghĩa là giá trị của đồng tiền sẽ được xác định dựa vào cung – cầu, niềm tin trên thị trường ngoại hối thay vì được áp dụng chính sách neo tỷ giá cổ định vào một đồng tiền nào đó. Việc này nhằm mục đích tránh tối đa tác động can thiệp của chính phủ vào tỷ giá tiền tệ.

Thứ hai là đồng tiền của những quốc gia có mức nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Thứ ba là đồng tiền của những quốc gia đang có thâm hụt trong tài khoản vãng lai (chủ yếu do tình trạng nhập siêu và tác động từ cán cân thu nhập), từ mức thấp hụt ngân sách cũ so với mức mới sẽ so sánh được tác động của giá dầu, đặc biệt với những quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều.

Điều này dẫn tới việc loại bỏ khỏi danh sách (31 đồng tiền) những đồng tiền mặc dù cũng có sự tăng giá lớn so với các đồng tiền khác (trừ so với đồng USD) nhưng không nằm trong các tiêu chí đánh giá trên. Những đồng tiền bị loại bỏ khỏi danh sách những đồng tăng giá mạnh nhất bao gồm: Nhân Dân Tệ Trung Quốc, Dollar Hồng Kông (vì đây là những đồng tiền duy trì chính sách thả nổi không hoàn toàn – thả nổi trong biên độ cố định so với USD), đồng Skekel của Israeli, Won của Hàn Quốc, Dollar Đài Loan (vì Israel, Hàn Quốc, Đài Loan đều có tài khoản vãng lai thặng dự) và Franc Thụy Sĩ (vì nước này có tài khoản vãng lai thặng dư, đồng thời đây là một trong những tài sản an toàn, đồng thời hồi tháng 1 NHTW Thụy Sĩ đã từ bỏ chính sách neo tỷ giá khiến franc tăng giá mạnh.

Một đồng tiền khác cũng bị loại khỏi danh sách là đồng Peso Argentina, mặc dù đây là đồng tiền nằm trong top 10 những đồng tiền tăng giá trị lớn nhất so với các đồng tiền khác trong cả trước và sau giai đoạn giá dầu đạt đỉnh. Nguyên nhân là vì tác động của giá dầu thấp lên kinh tế Argentina và đồng Peso là không rõ ràng.

Dựa trên những phân tích thô sơ này, rút ra được một nhóm những tiền tệ dưới đây dường như là những đồng tiền đã hưởng lợi nhiều nhất từ mức giá dầu thấp hiện nay:

Đồng Rupee Ấn Độ: Ấn Độ là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất khi giá dầu trượt hơn 50%. Quốc gia này là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới trong năm nay 2015.

Với việc nhập khẩu dầu thô chiếm đến 1/3 trong nhập khẩu của Ấn Độ thì mức giá dầu thấp giúp chi phí nhập khẩu giảm đáng kể và khiến mức thâm hụt tài khoản vãng lai thu hẹp xuống còn 27,5 tỷ USD so với mức thâm hụt 88 tỷ USD trong năm 2013. Đây là mức thấp nhất trong 7 năm qua.

Giá dầu rẻ cũng đã cho phép Ấn Độ giảm thâm hụt ngân sách bằng cách cắt giảm các khoản trợ cấp giá nhiên liêu, phân bón (cho nông dân). Và kết quả là đồng Rupee chỉ giảm 5,6% so với USD kể từ tháng 6/2014, đây là đồng tiền tăng giá trị thứ 4 trong số 31 đồng tiền so với các đồng tiền còn lại.

Đồng Rupiah Indonesia: Indonesia là một trong những nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu trên thế giới và quốc gia này cũng đã hưởng lợi từ việc giá dầu giảm mạnh. NHTW Indonesia dự báo chi phí cho nhập khẩu dầu giảm có thể giúp nước này duy trì thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức ít hơn 3% GDP.

Đồng Rupiah đã giảm 10,8% so với đồng USD kể từ tháng 6 năm ngoái, đây là mức giảm đứng thứ 9 trong số 31 đồng tiền đã giảm giá so với đồng USD. Mức này tương đối ít, đáng ghi nhận trong bối cảnh lạm phát của Indonesia đã vượt trên 7%.

Đồng Bảng Anh: Bảng Anh đã giảm 8,8% so với USD kể từ tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên đồng tiền này đã ổn định trở lại kể từ tháng 11/2014. Anh là quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều thứ 11 trên thế giới, với tốc độ nhập khẩu hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2013. Giá dầu sụt giảm đẩy chi phi nhập khẩu xuống thấp, được dự báo sẽ giúp thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này ở mức 4.8% so với GDP trong năm nay 2015.

Nguồn:CafeF/Trí Thức Trẻ