Giảm phát vẫn là bài toán khó
Theo số liệu của Cục thống kê Nhật Bản cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (không tính nhóm thực phẩm tươi sống) trong tháng 7 gần như đứng yên không thay đổi so với hồi đầu năm nay. Bên cạnh đó những tín hiệu trên thị trường trái phiếu đang cho thấy rất có thể mức lạm phát trung bình sẽ ở quanh ngưỡng 0,9% trong 10 năm tới, thấp hơn 2% so với mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đề ra.
“Giảm phát là vấn đề lớn nhất đối với Nhật Bản”, đó là lời tuyên bố từ ông Junko Nishioka - chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Sumitomo Mitsui (ngân hàng lớn thứ hai tại Nhật Bản). Ông Junko nói: “Chúng tôi đang bước vào một giai đoạn khó khăn trong việc cân bằng 3 yếu tố: mức lạm phát mục tiêu của BOJ; việc tăng thuế bán hàng (sales tax) lần thứ nhì; và tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới. Việc chậm trễ có thể dẫn tới hạ bậc tín dụng quốc gia."
Theo đó, việc BOJ đang tích cực mua vào trái phiếu là điều cần làm để thúc đẩy lạm phát và giữ cho lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tăng gánh nặng nợ công của Nhật Bản, vốn đã ở mức lớn nhất thế giới. Do đó, các chậm trễ trong việc tăng thuế và kích thích tăng trưởng sẽ dẫn tới nguy cơ Nhật bị đánh tụt hạng tín dụng.
Việc cắt giảm mức nợ công vốn đang cao gấp 2 lần GDP của Nhật Bản như thế nào để không làm giảm tăng trưởng là bài toán rất khó. Thực tế, việc thuế bán hàng tăng lên vào tháng 4 năm ngoái đã đẩy Nhật Bản vào suy thoái kinh tế. Đây cũng là bài học nhãn tiền cho kế hoạch tăng thuế mới sẽ có hiệu lực từ tháng 4 năm 2017.
Chi tiêu của các hộ gia đình tại Nhật đã giảm 0,2% trong tháng 7, sau khi đã giảm 2% trong tháng trước đó. Hồi tháng 5, chỉ số này đã từng tăng mạnh (4,8%), khiến giới quan sát nghĩ rằng đã đến lúc người dân nước này sẽ mở hầu bao, sau một thời gian dài thắt chặt mua sắm kể từ lúc thuế tiêu dùng tăng hồi năm ngoái.
Rủi ro toàn cầu
Những diễn biến phức tạp trên thị trường Trung Quốc cùng với những tín hiệu khó dự đoán về việc FED tăng lãi suất đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Nhật Bản.
Đã có những dấu hiệu bất ổn từ các ngành công nghiệp Nhật Bản, với việc sản lượng bất ngờ sụt giảm 0,6% trong tháng 7, sau khi đã hồi phục 1,1% trong tháng 6.
Ông Tsuyoshi Ueno, kinh tế gia của viện nghiên cứu NLI ở Tokyo nhận định: "Việc nước Nhật đang lệ thuộc vào nới lỏng tiền tệ khiến cho việc xiết chặt lại nguồn cung tiền là rất khó. Nền kinh tế cần được hỗ trợ trước việc tăng thuế bán hàng, trong khi đó lo ngại về tăng trưởng sẽ tạo áp lực phản đối việc tăng thuế".
Kinh tế già
Một trong những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới là cơ cấu dân số đang ngày một già hóa. Vấn đề này kéo theo các vấn đề liên quan khác như việc gia tăng chi phí phúc lợi, hiện đã chiếm khoảng 1/3 ngân sách chính phủ.
Ông Junko cho biết thêm “Nhật Bản đang phải đối mặt với chi phí an sinh xã hội đang ngày một phình ra, trong khi dân số lại già đi và giảm dần. Điều này có nghĩa là chính phủ cần có các biện pháp kịp thời để kích thích lạm phát đồng thời gia tăng các khoản thu thông qua nới lỏng tiền tệ."
Tuy chính sách Abenomics vẫn còn nhiều bất cập trong những chính sách điều hành nhưng cũng không thể phủ nhận một điều rằng chính sách phục hồi lạm phát của thủ tướng Abe đã góp phần làm tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp, theo đó làm tăng nguồn thu từ thuế lên mức cao kỉ lục kể từ năm 1993 đến nay.
Theo Đinh Hạnh
Bloomberg/Nhịp cầu đầu tư
Nguồn:Bloomberg/Nhịp cầu đầu tư