menu search
Đóng menu
Đóng

Ẩn số lạm phát mục tiêu 2% của Fed

21:49 14/09/2015

Vinanet - Lạm phát 2% được coi là mục tiêu thích hợp nhất trong một thời gian dài trong điều hành chính sách tiền tệ của một ngân hàng trung ương.
Cuộc họp chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào ngày 16-17/9 tới. Fed được cho là sẽ quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 sau hàng loạt tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

Mục tiêu thị trường lao động của Fed đã đạt được với tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 xuống 5,1%, mức độ mà Fed cho rằng kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn toàn dụng lao động. Trong khi đó, lạm phát tháng 8 mới chỉ ở mức 0,3%, quá xa mục tiêu 2%. Đó có thể là nguyên nhân khiến Fed trì hoãn nâng lãi suất đặc biệt là trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động mạnh.

Vậy, tại sao nhất thiết phải là mục tiêu lạm phát?


Các ngân hàng trung ương có nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, hay nói đơn giản là công việc điều tiết lượng tiền ra vào nền kinh tế. Trong suốt một thời gian dài, điều hành chính sách tiền tệ chỉ đơn thuần là ổn định tỷ giá để hỗ trợ thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, dần dần, tỷ giá cho thấy đây không phải là công cụ hoàn hảo cho các nhà hoạch định chính sách. Hút bớt tiền khỏi nền kinh tế để cứu nội tệ và bảo vệ tỷ giá có thể khiến nền kinh tế suy giảm. Chính những chính sách này đã gây ra cuộc Đại suy thoái những năm 1930.

Sau Đại suy thoái, các chính phủ ưu tiên vấn đề thị trường lao động trong nước. Các ngân hàng đánh giá nền kinh tế thông qua mối quan hệ giữa lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp – đường cong Phillips.

Tuy nhiên, do tình trạng suy giảm kinh tế những năm 1970, các chuyên gia kinh tế nhận ra rằng mối quan hệ này dần trở nên lỏng lẻo qua thời gian khi người ta bắt đầu phân tích điều gì đang xảy ra và điều chỉnh kỳ vọng lạm phát trong tương lai. Tác động kích thích của tăng trưởng giá nhanh hơn cũng phai nhạt dần khiến nhiều nền kinh tế đồng thời xảy ra tình trạng lạm phát cao và thất nghiệp cao.

Các chuyên gia kinh tế nhận ra rằng, cách tốt nhất một ngân hàng trung ương có thể làm để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn đó là làm cho định hướng chính sách trở nên rõ ràng hơn và dễ đoán hơn đối với công chúng.

Để làm được điều này, các ngân hàng trung ương cần lựa chọn một biến số kinh tế để đặt mục tiêu, nói cách khác là một biến số có thể phản ánh sức khỏe nền kinh tế và ngân hàng trung ương có thể kiểm soát được.

Mục tiêu công khai, rõ ràng sẽ giúp ổn định kinh tế (thị trường sẽ dễ đoán định chính sách hơn khi nền kinh tế không đạt được mục tiêu, do đó, tăng chi tiêu và đầu tư sẽ giúp ngân hàng trung ương đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng).

Milton Friedman, chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel, cho rằng, các ngân hàng trung ương nên đặt mục tiêu tăng trưởng cung tiền. Các ngân hàng trung ương đã thử áp dụng biện pháp này một thời gian nhưng nhận ra rằng khi tăng trưởng cung tiền đạt mục tiêu, mối quan hệ giữa tăng trưởng cung tiền và sức khỏe nền kinh tế sẽ đổ vỡ giống như từng xảy ra với đường cong Phillips.

Nhiều ngân hàng trung ương sau đó đã đặt mục tiêu lạm phát. Lạm phát là biến số có thể theo dõi, và là chỉ báo đáng tin cậy của nền kinh tế. Ngân hàng trung ương New Zealand là ngân hàng đầu tiên áp dụng mục tiêu lạm phát vào năm 1990. Fed đã theo đuổi mục tiêu lạm phát không chính thức trong một thời gian dài và chỉ đưa thành mục tiêu chính thức vào tháng 1/2012, cụ thể là mục tiêu lạm phát 2%. Lạm phát 2% được coi là mục tiêu thích hợp nhất trong một thời gian dài.

Vì sao là 2%?

Xét về khía cạnh kinh tế, lạm phát cao hơn nghĩa là giá cả đắt đỏ hơn. Lạm phát cao hơn cũng thường biến động hơn và do một số loại giá cả có thể điều chỉnh dễ dàng hơn, nên lạm phát cao hơn có thể phản ánh không chính xác về nền kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát thấp không có nghĩa là không có rủi ro. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ thấy khó cắt giảm lương trong nhiều hoàn cảnh khác nhau ví dụ như khi kinh tế suy thoái làm giảm nhu cầu nhân công. Tuy nhiên, nếu lạm phát cao, chi phí nhân công thực tế có thể giảm ngay cả khi lương thực tế không giảm do đó doanh nghiệp chịu ít áp lực sa thải nhân công khi kinh tế suy giảm.

Hơn nữa, lạm phát thấp cũng đi liền với lãi suất thấp (do các ngân hàng sẽ tính thêm yếu tố lạm phát khi cho vay dài hạn). Khi lãi suất cực thấp, một ngân hàng trung ương có thể sẽ giảm lãi suất chủ chốt xuống 0% để khắc phục những yếu kém của nền kinh tế. Do ngân hàng trung ương không thể dễ dàng hạ lãi suất xuống dưới 0%, do đó, lạm phát thấp sẽ làm tăng nguy cơ một ngân hàng trung ương sẽ trở nên vô dụng trước một cuộc suy thoái kinh tế mạnh.

Đầu những năm 1990, khi nhiều ngân hàng trung ương quyết định nên chọn loại lãi suất mục tiêu nào, thì họ cho rằng lãi suất cận 0% sẽ hiếm khi trở thành vấn đề với nền kinh tế nếu lạm phát ở mức 2%. Đánh giá này tuy nhiên không đúng. Vài thập kỷ sau đó, hầu hết các nước phát triển đều bế tắc với vấn đề lãi suất cận 0% và lạm phát vẫn thấp hơn mục tiêu. Bất cứ Fed quyết định như thế nào trong tuần này, thì dường như các ngân hàng trung ương cần một lần nữa và sớm thay đổi mục tiêu.

Minh Phương
Theo Economist