menu search
Đóng menu
Đóng

Chiến tranh tiền tệ sẽ bước sang giai đoạn mới

21:18 07/06/2015

Theo hãng tin CNBC, cuộc đua hạ giá đồng tiền sẽ bước sang giai đoạn mới vào mùa hè này trong bối cảnh các chuyên gia đang dự đoán về hành động tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đối với đồng USD, vốn đã tăng so với hầu hết các đồng tiền khác.
Hãng Societe Generale nhận định giai đoạn mới của “chiến tranh tiền tệ” (các nước thao túng tỷ giá để có được lợi thế về xuất khẩu) sẽ bắt đầu bằng đồng Yên khi đồng tiền này đã xuống mức thấp nhất trong 13 năm trong phiên 2/6. Các chuyên gia chiến lược của Societe General cho rằng chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục làm đồng Yên suy yếu và tạo ra một giai đoạn mới trong chiến tranh tiền tệ. Và điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Khi đồng Yên giảm giá, các nước khác trong khu vực cũng như Trung Quốc buộc phải hạ giá đồng tiền của mình nhằm giữ lợi thế cạnh tranh. Áp lực này chắc chắn sẽ nhanh chóng lan sang các quốc gia Phương Tây.

Điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thay đổi lãi suất cơ bản hay thực hiện QE là những cách mà các ngân hàng trung ương có thể dùng để chống lại sự biến động của thị trường tiền tệ. Nhiều ngân hàng trung ương thường lập luận rằng lãi suất không phải là mục tiêu ưu tiên của họ mà chỉ là một hiệu ứng phụ của chính sách nới lỏng tiền tệ.

Đã có rất nhiều các cuộc tranh luận trong vài năm qua về những quốc gia chủ động hạ giá đồng tiền của mình, một động thái được cho là khơi mào “chiến tranh tiền tệ.” Nếu một quốc gia có đồng tiền mạnh hơn so với những nước khác, điều này có thể dẫn đến một kịch bản giảm phát. Khi đó, hàng nhập khẩu giá rẻ được người tiêu dùng ưa chuộng hơn so với những sản phẩm sản xuất trong nước. Số liệu kinh tế toàn cầu từ đầu năm đến nay cho thấy hầu hết những thị trường trên thế giới đều đang có tốc độ tăng giá tiêu dùng rất chậm.

Thậm chí Mỹ và khu vực đồng tiền chung Eurozone vẫn có khả năng, dù rất nhỏ, lâm vào tình trạng giảm phát toàn diện. Khi đồng Yên yếu buộc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, phải tham gia “chiến tranh tiền tệ,” các quốc gia Phương Tây sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Tuy nhiên, không chỉ Châu Á mới đang trên bờ vực của một cuộc chiến tiền tệ. Đồng Euro đã giảm giá mạnh khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục thực hiện chương trình mua lại trái phiếu. Hãng BNY Mellon hôm 3/6 nhận định ngân hàng trung ương Na Uy có thể sắp giảm giá đồng tiền nước này.

Tính từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2003 so với một rổ các đồng tiền chủ chốt khác. Trong khi đó, FED có vẻ là ngân hàng trung ương duy nhất trên thế giới sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm nay. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế tranh luận rằng Mỹ vẫn có thể quay lại cuộc chiến tiền tệ trong năm 2015 do những số liệu không khả quan của nền kinh tế cũng như các tác động từ bên ngoài.

Chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini cho rằng đồng USD thực chất đã tham gia vào “chiến tranh tiền tệ” khi ngày càng có nhiều quan chức Mỹ quan tâm đến tỷ giá đồng USD cũng như lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia.

BNY Mellon nhận định rằng FED cần phải suy nghĩ lại về việc nâng lãi suất nếu họ thực sự lo lắng về sự tăng giá của đồng USD.

Trong khi đó, Societe Generale lo ngại rằng giảm phát trên thực tế đã được “nhập khẩu” vào Mỹ từ các thị trường khác, đặc biệt là Nhật Bản. Theo hãng này, chiến tranh tiền tệ sẽ nhanh chóng bước sang giai đoạn mới và các nhà đầu tư nên chú ý vào đồng Yên. Hãng Societe Generale cho rằng do đồng Yên yếu sẽ là một yếu tố chi phối thị trường và nền kinh tế toàn cầu, “một vòng mới của cuộc khủng hoảng tiền tệ” sắp bắt đầu.

Theo Hoàng Nam
CNBC/NDH

Nguồn:CNBC/NDH