Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 9% trước khi thu hẹp đà giảm về 7,2% xuống 3.255,84 điểm, khiến thị trường mất toàn bộ thành tích đạt được kể từ 8/7.Chỉ số CSI300 giảm 6,7%, trong khi chỉ số kỳ hạn tháng 9 giảm 9,5%. Hang Seng China Enterprises mất 5,8% xuống thấp nhất kể từ tháng 5.
Hơn 750 mã cổ phiếu giảm sàn 10%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc hướng đến phiên giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2007.
Kể từ đầu năm Shanghai Composite giảm 12% sau khi số liệu công bố cho thấy kinh tế Trung Quốc giảm tốc đáng lo ngại. Trung Quốc cuối tuần qua cho biết sẽ cho phép các quỹ hưu trí của nước này mua cổ phiếu lần đầu tiên, đồng thời cảnh báo phạt cổ đông lớn vi phạm quy định hạn chế bán cổ phần.
Hiện hệ số P/E trên thị trường chứng khoán Trung Quốc là 61 lần, cao hơn hệ số P/E của bất kỳ thị trường nào trong số 10 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, và gấp hơn 3 lần P/E của chỉ số S&P500 (Mỹ). Ở thời điểm chứng khoán Trung Quốc bong bóng năm 2007, P/E là 68 lần.
“Kinh tế Trung Quốc đang rất tệ, một số lĩnh vực ở trạng thái bong bóng. Sức ép bán tháo trên thị trường toàn cầu cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc. Shanghai Composite có thể giảm tiếp về 3.000 điểm”, Wu Kan, giám đốc quỹ JK Life Insurance nhận định.
"Đây là một thảm họa thực sự và dường như không điều gì có thể ngăn nó lại. Nếu chúng tôi không cắt giảm đầu tư, quỹ của chúng tôi sẽ buộc phải đóng cửa", Chen Gang, giám đốc đầu tư quỹ Heqitongyi Asset Management chia sẻ.
Sáng nay, các thị trường châu Á cũng đồng loạt giảm điểm mạnh do tác động từ thị trường Trung Quốc. Chỉ số Taipex trên thị trường chứng khoán Đài Loan giảm 7,5% xuống thấp nhất kể từ năm 1990. Chỉ số Topix của Nhật Bản cũng giảm 5% xuống thấp nhất kể từ 2013.
Theo thống kê của EPFR Global, trong tuần kết thúc vào ngày 19/8 vừa qua, các nhà đầu tư rút ròng hơn 4 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán châu Á (trừ Nhật Bản), trong đó, rút mạnh nhất khỏi quỹ đầu tư chứng khoán Trung Quốc. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã bốc hơi hơn 5.000 tỷ USD kể từ khi Trung Quốc bắt đầu phá giá nhân dân tệ hôm 11/8 vừa qua.
Bình luận về khả năng chính phủ các nước can thiệp giải cứu thị trường chứng khoán, Thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ, nguyên kinh tế trưởng của IMF, ông Raghuram Rajan cho rằng, các ngân hàng trung ương không nên hỗ trợ thị trường lúc này khi chứng khoán châu Á giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.
Minh Phương
Theo Bloomberg