Phát biểu tại phiên họp Hạ viện Indonesia , ông Tom Lembong cho biết: "Tất cả quốc gia ASEAN chủ yếu sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế nhưng trong bối cảnh đồng USD tăng, chi phí nhập khẩu và dịch vụ cũng tăng lên.
Điều đó khiến họ phải xem xét khả năng sử dụng đồng NDT. Đồng nội tệ của Trung Quốc cần thâm nhập vào các khu vực rộng hơn nữa vì các nền kinh tế của ASEAN chủ yếu tập trung vào Trung Quốc". Jakarta đặc biệt quan tâm đến việc chuyển sang giao thương hai chiều với Trung Quốc bằng NDT và ngân hàng trung ương nước này đã chuẩn bị các đề xuất có liên quan.
Câu hỏi ở đây là liệu đồng NDT có thể thay thế đồng USD trong thanh toán của ASEAN hay không? Các chuyên gia nhận định, một mặt là rõ ràng bất chấp các vấn đề kinh tế, hoạt động kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn có tăng trưởng.
Nhưng mặt khác, tuyên bố của ông Lembong cho thấy các nước ASEAN đang xem xét các lựa chọn khác nhau để dự phòng trong trường hợp bất ổn tài chính và kinh tế.
Theo bà Ekaterina Koldunova, chuyên gia về Đông Nam Á, Phó Chủ nhiệm Khoa Chính trị học của Học viện MGIMO, chưa chắc các nước ASEAN sẽ chỉ dựa vào NDT vì ông Lembong cũng đề cập đến đồng ruble (rúp).
Một khía cạnh khác của vấn đề nằm ở thực tế rằng ASEAN là các nước với định hướng xuất khẩu, họ phụ thuộc rất nhiều vào giao thương với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), vì vậy không thể nhanh chóng từ bỏ đồng USD.
Hiện tại khu vực Đông Nam Á đang trong quá trình đa phương hóa, tìm kiếm các phương án tùy chọn “túi đệm an toàn” có thể giúp các nước ASEAN trong điều kiện xảy ra khủng hoảng. Một ví dụ cụ thể là sự lựa chọn đồng tiền châu Á thống nhất hồi những năm 1990, khi đó các nước đã thảo luận về khả năng sử dụng đồng yen, nhưng sau cuộc khủng hoảng năm 1997, phương án này đã bị hủy bỏ và chỉ thảo luận về rổ tiền tệ.
TTXVN
Nguồn:TTXVN