menu search
Đóng menu
Đóng

EU bắt buộc thanh toán bù trừ trên thị trường phái sinh 505.000 tỷ USD

10:36 07/08/2015

Vinanet - Ngân hàng và nhà đầu tư tại EU sẽ phải đưa các hợp đồng giao dịch hoán đổi lãi suất (interest rate swap) tới đơn vị thanh toán bù trừ để thị trường tài chính an toàn hơn.
Thông báo phát đi hôm thứ Năm của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các ngân hàng và nhà đầu tư lớn hiện đang nắm giữ các giao dịch phái sinh sẽ phải sử dụng một bên thứ ba là trung tâm thanh toán bù trừ để xử lý các giao dịch của họ.

Emma Dwyer, một cộng sự tại hãng luật Allen & Overy LLP tại London đánh giá Liên minh châu Âu (EU) đã trì hoãn quá lâu việc đi tới thanh toán bù trừ bắt buộc. Quy định mới này sẽ không thay đổi phạm vi hợp đồng được bảo hiểm và các thỏa hiệp đã được đưa ra, mọi người sẽ hài lòng với điều này, theo Emma.

Jonathan Hill, ủy viên EU về dịch vụ tài chính phát biểu: "Hôm nay chúng ta có một bước tiến quan trọng để thực hiện các cam kết với G20, tăng cường ổn định tài chính và thúc đẩy niềm tin thị trường. Đây cũng là một phần trong động thái của chúng ta hướng tới các thị trường công bằng, công khai và minh bạch".

Năm 2009, G20 đã yêu cầu thanh toán bù trừ nhiều hợp đồng hoán đổi (swap) trong nỗ lực nhằm giảm thiệt hại có thể gây ra bởi việc một tổ chức tài chính lớn không thể thực hiện các nghĩa vụ thanh toán của mình.

Các ngân hàng thông thường thực hiện các hợp đồng giao dịch hoán đổi lãi suất trực tiếp với nhau. Bằng cách chuyển các giao dịch này tới một trung tâm thanh toán bù trừ, thị trường phái sinh sẽ trở nên an toàn hơn. Nếu một đối tác nào đó phá sản, trung tâm thanh toán bù trừ sẽ phân chia thiệt hại phát sinh cho tất cả các thành viên của nó. Doanh nghiệp phải gửi tài sản thế chấp cho đơn vị thanh toán bù trừ để sử dụng dịch vụ này.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tính tới cuối năm 2014, các tổ chức tài chính đã thực hiện các hợp đồng swap OTC với giá trị danh nghĩa lên tới 505.000 tỷ USD. Giá trị thực sự của các hợp đồng này nhỏ hơn nhiều bởi các doanh nghiệp thường nắm giữ các hợp đồng triệt tiêu lẫn nhau.

EC yêu cầu thực hiện thanh toán bù trừ bắt buộc đối với các sản phẩm phái sinh lãi suất, hợp đồng swap cơ bản, các thỏa thuận lãi suất kỳ hạn (forward) và swap chỉ số qua đêm được giao dịch trong EU.

Theo EC, doanh thu ước tính của các hợp đồng phái sinh lãi suất bằng 4 đồng tiền mạnh - USD, EUR, JPY và GBP tại EU là hơn 1.500 tỷ euro (1.600 tỷ USD) ở thời điểm tháng 4/2013.

LCH.Clearnet Ltd. là trung tâm thanh toán bù trừ lớn nhất cho các hợp đồng swap. Công ty con của London Stock Exchange Group này nắm 90% thị phần thanh toán bù trừ swap và khoảng 70 đến 80% thị phần thanh toán bù trừ cho khách hàng cuối cùng, theo Nathan Ondyak, người đứng đầu bộ phận thị trường và sản phẩm của hãng này.

Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu, đại diện cho lợi ích của các nước thành viên, có 3 tháng để phản đối các quy định mới này, kể từ ngày 21/8. Nếu không bị phản đối, các quy định này sẽ chính thức có hiệu lực.
Phương Tuyền
Theo Bloomberg