Theo hãng tin CNBC, hôm nay (8/9), đồng nội tệ của Indonesia rớt giá xuống mức 14.280 Rupiah đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7/1998 - thời điểm đen tối nhất của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Số liệu của Reuters cho thấy, đồng tiền này chốt phiên giao dịch ngày đầu tuần (7/9) ở mức 14.245 Rupiah/USD.
Đồng Rupiah đang đương đầu áp lực mất giá mạnh khi tăng trưởng của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, giảm tốc. Thời gian gần đây, do tâm lý ngại rủi ro của giới đầu tư quốc tế, tài sản ở các nền kinh tế mới nổi như Indonesia mất dần sức hấp dẫn và các dòng vốn nóng chảy vì thế ra khỏi nước này.
Bên cạnh đó, động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc làm dấy lên đồn đoán của giới đầu tư về một cuộc đua phá giá tiền tệ giữa các nước cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy tỷ giá Rupiah lao dốc.
Ngoài ra, các hoạt động kinh tế xuống thấp, cùng với nỗi lo cải cách rơi vào trì trệ, đã khiến lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Indonesia không tăng nhanh như kỳ vọng của Chính phủ ở Jakarta.
Theo tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s, vốn FDI vào Indonesia hiện chiếm 2,1% GDP nước này, thấp hơn so với tỷ lệ của các nước như Malaysia và Thái Lan, nơi FDI chiếm hơn 3% GDP.
Đến nay, Rupiah đã có 9 tuần mất giá liên tiếp, chuỗi tuần mất giá dài nhất kể từ tháng 6/2004. Từ đầu năm đến nay, đồng tiền này mất giá gần 14%, mạnh thứ nhì trong số các đồng tiền châu Á được hãng tin Bloomberg theo dõi, chỉ sau đồng Ringgit của Malaysia.
Gần đây, việc Rupiah mất giá đã buộc Ngân hàng Trung ương Indonesia phải can thiệp vào thị trường ngoại hối. Dự trữ ngoại hối của nước này vì vậy đã giảm còn 105,35 tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 8, từ mức 107,55 tỷ USD vào cuối tháng 7. Mức dự trữ này đủ cho khoảng 7,1 tháng nhập khẩu của Indonesia.
Theo Bloomberg, việc đồng Rupiah mất giá mạnh xảy ra vào một thời điểm bất lợi cho Indonesia. Chính phủ, các ngân hàng và công ty của nước này đang nợ nước ngoài mức kỷ lục 304 tỷ USD, lớn gấp gần 3 lần dự trữ ngoại hối.
Bởi vậy, giới phân tích cảnh báo Indonesia có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ, nếu đồng nội tệ của nước này tiếp tục giảm giá sâu hơn.
Theo Diệp Vũ
VnEconomy
Nguồn:VnEconomy