menu search
Đóng menu
Đóng

Những điều ít biết về cơ chế điều hành tỷ giá của Trung Quốc

11:03 13/08/2015

Vinanet - Thị trường sẽ cần thêm thời gian để thích nghi với cơ chế tỷ giá mới của Trung Quốc.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đang gây sốc cho thị trường tài chính toàn cầu với động thái thay đổi cơ chế tỷ giá. Theo giới chuyên gia, thị trường sẽ cần thêm một thời gian nữa để thích ứng với sự chuyển đổi này và trong thời gian đó, nhân dân tệ chắc chắn sẽ còn biến động mạnh.

Cơ chế điều hành tỷ giá qua các thời kỳ của Trung Quốc

Thay vì được thả nổi như một số đồng tiền khác trên thế giới, biến động của nhân dân tệ được chính phủ nước này kiểm soát chặt chẽ. Năm 1994, nhân dân tệ neo tỷ giá với USD ở 8,28 nhân dân tệ/USD.

Cơ chế này được duy trì cho đến tháng 7/2015 thời điểm mà nhân dân tệ được nới lỏng kiểm soát với biên độ dao động cho phép là +/- 2,1% so với tỷ giá bình quân (midpoint) do PBOC niêm yết. Biên độ này thực tế được nới dần từ năm 2005. Tuy nhiên, nhân dân tệ vẫn là đồng tiền thả nổi có kiểm soát khi PBOC có thể can thiệp tỷ giá bằng cách mua vào hoặc bán ra ngoại tệ.

Để kiểm soát tỷ giá, PBOC sử dụng cơ chế kết hợp giữa giá tham chiếu và biên độ. Theo đó, các ngân hàng thương mại và định chế tài chính được phép kinh doanh ngoại tệ trong giới hạn giá trần và giá sàn dựa trên giá tham chiếu. Tùy trường hợp, PBOC có thể thay đổi giá tham chiếu vào đầu giờ giao dịch mỗi ngày. Ngược lại, biên độ được duy trì trong thời gian dài và chỉ điều chỉnh khi thị trường xáo trộn.

Theo cơ chế tỷ giá mới vừa được Trung Quốc áp dụng từ đầu tuần này, PBOC sẽ đưa ra tỷ giá bình quân làm tham chiếu vào đầu mỗi giờ giao dịch. Nếu giá đóng cửa ngày hôm trước chênh lệch quá nhiều so với tỷ giá bình quân thì tỷ giá bình quân của ngày hôm sau sẽ phải điểu chỉnh so với ngày hôm trước. Các ngân hàng thương mại và định chế tài chính được phép niêm yết tỷ giá trên hoặc dưới 2% so với tỷ giá tham chiếu này.

Tỷ giá trong nước và tỷ giá quốc tế

Tỷ giá nhân dân tệ được chia làm 2 loại gồm tỷ giá thị trường trong nước (CNY) và tỷ giá quốc tế (CNH) – được giao dịch thông qua Bank of China ở Hong Kong và nhà đầu tư quốc tế được phép giao dịch mua bán. Không giống với CNY, CNH được thả nổi và là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa nhân dân tệ. Ngược lại, CNY vẫn chịu tác động từ PBOC, ví dụ, để ghìm đà mất giá của nhân dân tệ tại thị trường trong nước sau 2 đợt điều chỉnh tỷ giá tham chiếu, hôm qua, PBOC đã yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh bán USD, mua nhân dân tệ.

Tuy nhiên, với cơ chế điều hành tỷ giá mới cho phép vai trò quyết định lớn hơn của các lực lượng tham gia thị trường, chênh lệch giữa CNY và CNH sẽ thu hẹp dần.

Trung Quốc đang khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ?

Tất nhiên là không. Đó là khẳng định của các định chế tài chính lớn cũng như nhiều chuyên gia kinh tế.

HSBC cho rằng, đây chỉ đơn thuần là bước đi cần thiết để tiến tới một cơ chế tỷ giá theo định hướng thị trường. “Quan trọng là, sự thay đổi trong cơ chế xác định tỷ giá không nên xem như một dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá nhân dân tệ một cách có mục đích. Theo quan điểm của chúng tôi, họ có đủ công cụ chính sách để thúc đầy nhu cầu nội địa nhằm bù đắp cho những thách thức bên ngoài. Chúng tôi dự đoán sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất chính sách xuống 25 điểm và giảm tỉ lệ dự trữ xuống 200 điểm trong nửa sau năm 2015. Sự thay đổi trong cơ chế xác định tỷ giá cặp USD và nhân dân tệ sẽ không cản trở những nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ”, HSBC nhận định.

Trong khi đó, IMF cho rằng, động thái của Trung Quốc đáng được hoan nghênh bởi đó là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thả nổi nhân dân tệ, đưa nhân dân tệ về gần giá trị thực.

Nói cách khác, Trung Quốc đang tiến tới một cơ chế xác định tỷ giá linh hoạt nhằm đạt mục tiêu quốc tế hóa đồng tiền này và đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế trong giỏ tiền tệ của IMF thay vì mục đích phá giá nhằm tạo sức cạnh tranh cho ngành xuất khẩu trong nước và kéo theo làn sóng phá giá trên phạm vi toàn cầu.

Minh Phương

Tổng hợp